Cách mạng công nghiệp 4.0, đầu tư và Phát triển của VICEM
Đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục đầu tư và phát triển khoa học công nghệ, khoa học quản trị, duy trì năng lực cạnh tranh và lợi thế cạnh tranh tạo nên đẳng cấp từ sự khác biệt của VICEM.
Quá trình hình thành và phát triển của VICEM
Xi măng là một trong những cơ sở công nghiệp được hình thành và phát triển sớm nhất ở Việt Nam. Cái nôi đầu tiên của Ngành xi măng Việt Nam là Nhà máy Xi măng Hải Phòng, được khởi công xây dựng ngày 25/12/1899 với nhãn mác con Rồng Xanh, Rồng Đỏ đã có mặt tại Hội chợ triển lãm Liege (Pháp) năm 1904 và hàng vạn tấn xi măng Hải Phòng đã có mặt trên thị trường tiêu thụ ở các nước như vùng Viễn đông, Vladivostoc, Java (Indonesia), Hoa Nam (Trung Quốc), Singapore...
Trước yêu cầu cấp bách về xi măng chất lượng cao phục vụ cho công cuộc xây dựng Đất nước và chuẩn bị kế hoạch 5 năm lần thứ III (1981-1985); Ngày 1/4/1980 Liên hiệp các xí nghiệp xi măng bắt đầu đi vào hoạt động trong phạm vi cả nước.
Sau hơn 13 năm hoạt động, ngày 05 tháng 10 năm 1993 Bộ xây dựng có Quyết định số 456/BXD-TCL đổi tên Liên hiệp các xí nghiệp xi măng thành Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, tiếp theo đó Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 670/TTg ngày 14/11/1994 thành lập Tổng Công ty Xi măng Việt nam hoạt động theo mô hình Tổng công ty 91.
Ngày 29/8/2006 Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 196/2006/QĐ-TTg chuyển Tổng công ty xi măng Việt Nam sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con và quyết định số 197/2006/QĐ-TTg thành lập Công ty mẹ - Tổng Công ty Xi măng Việt nam.
Ngày 6/12/2007 Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 189/2007/QĐ-TTg điều chỉnh một số nội dung của các quyết định số 196/2006/QĐ-TTg và quyết định số 197/2006/QĐ-TTg:
- Đổi tên gọi Tổng Công ty Xi măng Việt Nam thành Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt nam. Tên giao dịch quốc tế VIETNAM CEMENT INDUSTRY CORPORATION ( VICEM ).
- Bổ sung thêm ngành, nghề kinh doanh của Công ty mẹ- Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt nam
Liên tục đầu tư và phát triển khoa học công nghệ, quản trị, duy trì năng lực cạnh tranh và lợi thế cạnh tranh tạo nên đẳng cấp từ sự khác biệt của VICEM
Qua hơn một trăm năm hình thành và phát triển của Ngành xi măng Việt Nam, trong đó VICEM có lịch sử hình thành vào giữa thời kỳ cách mạng công nghiệp 3.0 và trải qua gần 40 năm phát triển; Căn cứ dự báo chiến lược phát triển Ngành, ngay từ năm 2000 đến thời kỳ cuối của cách mạng công nghiệp 3.0, VICEM đã xác định rõ mục tiêu phát triển để định hướng cũng như đi đầu triển khai đầu tư phát triển và phát triển bền vững, đến nay các nhà máy, dây chuyển sản xuất của các đơn vị thành viên của VICEM đã được đầu tư cải tạo, mở rộng cũng như xây dựng mới, sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, tự động hoá ở mức cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tối đa chi phí… do các tập đoàn công nghiệp nổi tiếng trên thế giới thuộc các nước EU và G7 cung cấp, lắp đặt như F.L Smidth (Đan Mạch), Polysius, FCB (Cộng hòa Pháp), IHI (Nhật Bản)… đồng thời cũng tận dụng tối đa năng lực của ngành cơ khí trong nước để phát triển nội lực, giảm nhập khẩu, đa dạng hoá sản phẩm xi măng; đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế. Cùng với chiến lược đầu tư phát triển, VICEM đặc biệt quan tâm về chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đối với đội ngũ cán bộ Lãnh đạo, quản lý có năng lực quản trị cao để có thể quản trị, điều hành VICEM vững bước phát triển, đủ sức cạnh tranh trong quá trình đất nước đổi mới, hội nhập khu vực và trên thế giới; bên cạnh đó đội ngũ chuyên viên, kỹ sư, kỹ thuật viên được tuyển dụng, đào tạo có chất lượng, phát triển đội ngũ công nhân giỏi, lành nghề để có thể tiếp nhận, vận hành và làm chủ các dây chuyền công nghệ đáp ứng chiến lược đầu tư phát triển; đồng thời các chuyên viên tài chính, thị trường cũng được hết sức trú trọng đào tạo và phát triển.
Hiện nay các nhà máy của VICEM đã sử dụng một số lượng lớn các thiết bị thông minh trong các dây chuyền sản xuất tự động, cùng với các hệ thống điều khiển phân tán DCS (Distributed Control System) và được kết nối với phòng điều khiển trung tâm (CCR) để tối ưu quá trình sản xuất và đã thu được một số thành công nhất định. Do các thiết bị trường thông minh (smart field devices) chủ yếu sử dụng các hệ thống mạng cục bộ riêng lẻ để giao tiếp với các trạm điều khiển, mà chưa có khả năng như là một nút mạng trong hệ thống mạng liên kết toàn bộ nhà máy. Các thiết bị điều khiển thông minh như PLC, máy tính chuyên dụng mặc dù có thể được coi như các nút mạng trong hệ thống mạng nhà máy và ở tầng thấp nhất (cấp trường) là hệ thống cảm biến và chấp hành, tuy nhiên do việc tổ chức thông tin nhà máy được phân cấp chặt chẽ nên sự tích hợp hệ thống chủ yếu diễn ra theo chiều ngang chứ không phải theo chiều dọc.
Ở tầng phía trên, từ năm 2008 VICEM cũng đã triển khai các hệ thống quản trị nguồn lực Oracle ERP (Enterprise Resource Planning), báo cáo quản trị thông minh BI (Business Intelligence) tới các đơn vị thành viên theo giai đoạn, nhằm đáp ứng được chiến lược của VICEM với mục tiêu:
- Xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp trên một nền tảng tập trung nhằm hỗ trợ tối đa cho người sử dụng các cấp trong công tác lập, quản lý và khai thác thông tin trong tác nghiệp vận hành doanh nghiệp.
- Chuẩn hóa thông tin, quy trình nghiệp vụ, lưu trữ thông tin tập trung nâng cao hiệu quả khai thác thông tin hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định.
- Hỗ trợ tối đa cho người sử dụng, giảm thiểu các tác nghiệp thủ công đang thực hiện trên cơ sở một hệ thống công nghệ thông tin tập trung và hiện đại.
- Cung cấp khả năng phân tích thông tin đa chiều, đồng thời trên nhiều tiêu chí khác nhau phục vụ việc quản trị, hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định chính xác và hiệu quả.
- Kết nối thông tin về quản trị doanh nghiệp giữa VICEM với các đơn vị thành viên trên một nền tảng CNTT, thực hiện định hướng chiến lược phát triển CNTT của Tổng công ty nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và quản lý số liệu.
Có thể nói, nhờ thừa hưởng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 và đặc biệt từ giai đoạn cuối của thời kỳ này từ năm 2000 trở về đây, VICEM luôn đi đầu trong công tác đầu tư có chiều sâu trong việc đổi mới khoa học công nghệ, khoa học quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giảm giá thành sản xuất và nâng cao tỷ lệ đóng góp của các yếu tố về công nghệ, sáng tạo để nâng cao các giá trị trong mỗi sản phẩm của VICEM được cung cấp cho khách hàng, do đó VICEM hoàn toàn tự tin vững bước trên con đường cạnh tranh, hội nhập khu vực và Quốc tế, cũng như đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Việc áp dụng rộng rãi những tiến bộ của Công nghệ thông tin và truyền thông ICT (Information & communications technology), điện toán đám mây (Cloud), công nghệ thực tế - ảo IoT (Internet of Things)… vào hoạt động sản xuất công nghiệp đã làm mờ đi ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo, được gọi là hệ thống sản xuất không gian mạng CPPS (cyber-physical production system). Đây là nền tảng cho việc xây dựng các nhà máy thông minh, nhà máy số ngày nay. CPPS là mạng lưới giao tiếp trực tuyến giữa các máy móc với nhau, được tổ chức như một mạng xã hội. Đơn giản chỉ cần cấp địa chỉ mạng, chúng sẽ tạo liên kết IT với các thành phần trong dây chuyền sản xuất, sau đó giao tiếp với nhau thông qua hạ tầng mạng. Trong nhà máy số, các thiết bị máy móc thông minh giao tiếp với nhau bằng hệ thống mạng và chia sẻ thông tin online về lượng hàng hiện tại, về sự cố hoặc lỗi, về những thay đổi trong đơn đặt hàng hoặc mức độ nhu cầu. Quá trình sản xuất và thời hạn sản xuất được phối hợp với mục tiêu tăng hiệu suất và tối ưu hóa thời gian sản xuất, công suất và chất lượng sản phẩm trong các khâu phát triển, sản xuất, tiếp thị, bán hàng và chuỗi cung ứng. Các cảm biến, chấp hành và điều khiển cho phép các thiết bị liên kết đến nhà máy, các hệ thống mạng khác và giao tiếp với người dùng. Các mạng thông minh này là nền tảng của các nhà máy thông minh, nhà máy số ngày nay.
Để duy trì năng lực cạnh tranh và lợi thế cạnh tranh mới tạo nên đẳng cấp từ sự khác biệt của một VICEM, do đó VICEM có định hướng trong việc đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở nền tảng công nghệ tiên tiến các nhà máy hiện có, cần đầu tư kết hợp kế thừa và tùy chỉnh thiết kế để có được các nhà máy thông minh, khả năng thay đổi sản phẩm nhanh chóng; sử dụng IoT và các công nghệ khác để số hóa toàn bộ qui trình, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường; hợp nhất mạng lưới sản xuất, dùng giải pháp quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) dựa trên nền tảng Internet để nhân viên có thể làm việc thông qua mạng; dùng robot bán tự động ở các vị trí nhất định làm việc bên cạnh con người để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; phân tích dữ liệu thu thập được về khách hàng để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và Quốc tế.
Với công nghệ in 3D đã và đang phát triển mạnh là một lợi thế cho Ngành sản xuất xi măng nói riêng và công nghiệp nói chung, bởi sẽ giảm được chi phí vật tư dự phòng đối với các thiết bị quan trọng trong dây chuyền sản xuất trong trường hợp có sự cố hỏng hóc phải thay thế. Hệ thống Internet băng thông rộng, công nghệ 4G, 5G phát triển, các nền tảng Cloud, công nghệ IoT… với chất lượng ngày một vượt trội, chi phí giảm cũng đem lại những lợi thế không nhỏ cho việc đầu tư khoa học, công nghệ phát triển có chiều sâu của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó những thách thức không nhỏ cũng được đặt ra, không chỉ riêng trong Ngành xi măng mà còn trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội đó là vấn đề an toàn và an ninh mạng. Các vấn đề bảo mật sẽ trở nên quan trọng hơn rất nhiều. Độ tin cậy và ổn định là rất cần thiết cho giao tiếp giữa những máy móc (M2M), bao gồm cả thời gian trễ rất ngắn và ổn định. Ngoài ra cần phải duy trì tính toàn vẹn của quá trình sản xuất, cần phải tránh bất kỳ rủi ro nào về CNTT, những yếu tố sẽ gây hậu quả cho sản xuất, kinh doanh, cũng như bảo vệ bí quyết kinh doanh, bí quyết công nghệ.
Bùi Hồng Cường