Người công nhân Xi măng VICEM 7 lần được gặp Bác Hồ
Nhiều năm trôi qua, những kỉ niệm với Bác Hồ vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức bà Trương Thị Len (82 tuổi, nguyên công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng - nay là Công ty Xi măng VICEM Hải Phòng). Bà là người đã 7 lần được gặp Bác Hồ.
Ở tuổi “gần đất, xa trời”, lại mới trải qua trận ốm “thập tử, nhất sinh” khiến cơ thể suy nhược, đầu óc nhớ nhớ, quên quên, nhưng với bà Trương Thị Len, những kỉ niệm 7 lần được gặp Bác Hồ vẫn còn nguyên vẹn.
Vẹn nguyên kí ức 7 lần gặp Bác Hồ
Lần đầu vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngày 30.5.1957, khi ấy, bà Len là cô công nhân 19 tuổi của phân xưởng máy đá, Nhà máy ximăng Hải Phòng (nay là Công ty ximăng Vicem Hải Phòng). Bác đứng giữa hàng trăm công nhân, ôn tồn hỏi thăm, động viên: “Giờ nhà máy là của ta, các cô các chú cố gắng phục hồi sản xuất, sản xuất được càng nhiều ximăng càng tốt vì đất nước đang rất cần…”.
Hơn 1 năm sau, tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 2 năm 1958 diễn ra tại Hà Nội, bà Trương Thị Len vinh dự được gặp lại Bác. Năm 1959, trong đêm văn nghệ chào mừng Tổng thống Indonesia Xu-các-nô sang thăm Việt Nam, bà Trương Thị Len là đại diện của Đoàn Thanh niên Hải Phòng tham dự. Đây cũng là lần thứ 3 bà Len được gặp Bác.
Lần thứ 4, bà gặp Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 diễn ra tháng 10.1960. Bác Hồ chụp ảnh với đoàn đại biểu trẻ dự đại hội, bà Len là đại biểu nữ duy nhất.
Lần gặp gỡ để lại nhiều xúc động nhất là khi bà Len gặp Bác vào dịp sinh nhật 73 tuổi của Người. Tại kỳ họp Quốc hội khóa 2 diễn ra tháng 5.1963, bà Len tham dự với vai trò đại biểu Quốc hội Hải Phòng. Trước kỳ họp, Trung ương Đoàn cử một đoàn đại biểu trẻ và đề nghị Trương Thị Len thay mặt tuổi trẻ cả nước chúc thọ Bác.
Ấn tượng với lời chúc của nữ thanh niên Hải Phòng nhỏ bé: "Thưa Bác, hôm nay mừng thọ Bác, chúng cháu thay mặt thanh niên cả nước kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu, sống mãi", Bác Hồ đọc câu thơ: "Bảy mươi ba tuổi vẫn còn xuân/ Sức khỏe còn nhiều phục vụ dân".
Ghi nhớ lời Bác căn dặn đến suốt cuộc đời
Trong kỳ họp Quốc hội khóa 2, bà Len trình bày tham luận tại kỳ họp: "Làm thế nào tạo điều kiện cho công nhân học tập, nâng cao trình độ, hiểu biết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước". "Phần trình bày của tôi vừa xong, Bác Hồ tóm tắt lại nội dung, trực tiếp chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp tạo điều kiện cho công nhân có thời gian học tập, nâng cao trình độ" - bà Len nhớ lại.
Lần cuối cùng gặp Bác Hồ, khi ấy, bà Trương Thị Len được cử đi học lớp đào tạo cán bộ công đoàn tại Hà Nội. Tại buổi gặp mặt nhân ngày Quốc khánh 2.9.1963, bà Len lại vinh dự được chụp ảnh với Bác. Nghe tin cô công nhân ngày nào giờ đã được theo học lớp bồi dưỡng cán bộ, Bác Hồ nói: “Bác mừng cho cháu. Làm cán bộ thì tốt thôi, nhưng cháu nhớ là không được mất chất công nhân”.
Lời căn dặn cuối cùng của Bác Hồ theo bà Trương Thị Len trong suốt chặng đường công tác về sau và cả trong cuộc sống. Hoàn thành khóa đào tạo cán bộ, bà Len được bổ nhiệm là Quản đốc phân xưởng Báo giấy, đồng thời làm Phó Ban Nữ công nhà máy, 8 năm là ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam. Trên mọi cương vị công tác, bà Len không quên "giữ chất công nhân", gắn bó, gần gũi với người lao động...
Hoàn thành thời gian công tác, về địa phương, bà Len tiếp tục tham gia công tác Hội Chữ thập đỏ, là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ Tổ dân phố số 6 phường Nghĩa Xá quận Lê Chân. Ở tuổi 82, bà Len vẫn sống trong căn nhà cấp 4 bình dị, đậm "chất công nhân" giữa lòng thành phố Cảng, ngày ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động nhân dân đóng góp kinh phí hỗ trợ gia đình hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.