Chuỗi giá trị sản xuất ngành xi măng (P3)
Trong sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị là quá trình hoạt động cơ bản nhằm biến đổi yếu tố đầu vào thành sản phẩm đầu ra mà có giá trị lớn hơn so với chi phí ban đầu. Để tìm kiếm cơ hội tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, cần cố gắng để tạo sự khác biệt với đối thủ hoặc đơn giản là loại bỏ bớt các hoạt động không thiết thực để giảm thiểu chi phí trong chuỗi giá trị.
3. Các sản phẩm đầu ra Phân loại xi măng trên thị trường: Sản phẩm đầu ra của ngành xi măng được phân ra làm 3 nhóm chính theo các tiêu chí: hình thức sản phẩm, thành phần cấu tạo và tiêu chuẩn chịu lực (chi tiết tại bảng dưới). Theo đó, cách gọi tên của mỗi sản phẩm xi măng sẽ theo thứ tự gồm: Hình thức sản phẩm + Thành phần cấu tạo + Tiêu chuẩn chịu lực (ví dụ: Xi măng bao Pốc-lăng hỗn hợp Mác 30 hoặc có thể viết tắt thành xi măng bao PCB 30).
Phân loại các sản phẩm xi măng trong ngành
Tính đa dạng và khác biệt của các sản phẩm: Dựa trên các phân loại trên, xi măng là một sản phẩm tương đối đa dạng với nhiều tính năng cũng như công năng sử dụng như các dòng sản phẩm xi măng chống ăn mòn, chống thấm, phù hợp cho một số công trình xây dựng đặc biệt, các dòng xi măng có Mác cao giúp tăng thêm độ chịu lực và kéo dài đáng kể tuổi thọ của các công trình hay các sản phẩm rời lại giúp tiết kiệm về chi phí vận chuyển,… Khả năng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm của các nhà máy: Mặc dù phân loại sản phẩm xi măng tương đối đa dạng, tuy nhiên việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất sản phẩm trong cùng một nhà máy khá dễ dàng, không đòi hỏi phải đầu tư thêm hoặc thay đổi công nghệ sản xuất, do sự khác biệt giữa các loại sản phẩm chủ yếu đến từ các thay đổi nhỏ trong quá trình sản xuất như: hình thức đóng gói sản phẩm (đóng bao hoặc không đóng bao), thành phần phụ gia (thêm bớt các phụ gia pha trộn vào trong quá trình nghiền), tỷ lệ phụ gia trong xi măng (phụ gia ít hoặc nhiều sẽ làm tăng hoặc giảm cường độ chịu lực). Do đó các yếu tố khác biệt về sản phẩm không ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành. Tiêu chuẩn & chất lượng sản phẩm: Chất lượng các sản phẩm xi măng hầu hết đều tuân theo một bộ tiêu chí chất lượng nhất định ở mỗi quốc gia, được tham khảo và xây dựng dựa trên hai bộ tiêu chuẩn phổ biến trên thế giới là ASTM (do Hội Thử nghiệm vật liệu Mỹ phát triển) và ISO (do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế phát triển) (xem thêm về các tiêu chuẩn xi măng). Do đó, chất lượng các sản phẩm xi măng trong cùng một thị trường tiêu thụ sẽ có xu hướng tương đồng với nhau và không có sự khác biệt quá lớn giữa các doanh nghiệp.
Các sản phẩm đầu ra trong ngành xi măng theo hình thức sản phẩm
Clinker. |
Xi măng bao |
(Trích dẫn từ Báo cáo ngành xi măng tháng 09/2020 của CTCP Chứng khoán FPT)
ximang.vn