Đốt rác trong sản xuất xi măng: Cần một cơ chế minh bạch
Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về sản xuất xi măng và cũng là nước xuất khẩu xi măng hàng đầu Thế giới. Tuy nhiên, đây là ngành sản xuất luôn được cảnh báo về các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Trăn trở để phát triển công nghệ sản xuất với mục tiêu tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường thì điều mà ngành xi măng cần là một cơ chế chính sách đồng bộ hỗ trợ cho các ý tưởng sáng tạo.
Vicem Bút Sơn nghiên cứu sử dụng rác thải làm nhiên liệu sản xuất xi măng vừa tiết kiệm tài nguyên, vừa làm sạch môi trường. |
Ở nước ta hiện nay, phần lớn rác thải thu gom được vẫn đang xử lý theo kiểu truyền thống là: chôn lấp, đếm tấn lấy tiền xử lý từ ngân sách. Như vậy, vừa lãng phí tài nguyên, lại tốn kém tiền của và gây ô nhiễm môi trường. Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho biết, hiện nay, có nhiều giải pháp xử lý rác thải rất khoa học, tận dụng tái chế tài nguyên, mang lại nguồn lợi lớn cho xã hội, lại giảm ô nhiễm môi trường. Thực tế, nhiều nước trên Thế giới đã làm, cho hiệu quả tốt như nhà máy đốt rác phát điện, xử lý rác thải trong lò đốt của nhà máy sản xuất xi măng, luyện thép, rác thải làm đầu vào trong nhà máy sản xuất phân bón… Đầu năm 2020 vừa qua, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cùng Tập đoàn FLSmidth (Đan Mạch) ra tuyên bố chung về phát minh thế hệ công nghệ mới ngành xi măng "Zero emission – natural cycle" (Không phát thải - tuần hoàn tự nhiên). Mục tiêu của việc hợp tác là để triển khai các công nghệ giúp giảm triệt để khí thải nhà kính, phát minh giải pháp sử dụng nhiên liệu thay thế và cải thiện chất lượng không khí. Một trọng tâm chính thu hút sự chú ý là việc sử dụng nguồn chất thải đô thị và các chất thải khác làm nguồn nhiên liệu thay thế, nhờ đó ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ việc đốt chất thải. Thực tế, đến nay, ứng dụng công nghệ tại Vicem liên quan đến nhiên liệu thay thế bước đầu đã có kết quả. Dự kiến đến cuối năm 2020 Vicem sẽ có báo cáo Thủ tướng kết quả của việc thay thế nhiên liệu này. Hiện nay, giai đoạn 1 đã bước đầu hoàn thành, đây là giai đoạn thay một phần các nhiên liệu truyền thống trong sản xuất xi măng bằng rác thải công nghiệp, rác làng nghề. Vicem là doanh nghiệp Nhà nước chiếm gần 34% thị phần trong nước và đảm nhận vai trò là nòng cốt của ngành xi măng Việt Nam. Vicem luôn nỗ lực nghiên cứu, đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh; hợp tác với nhiều hãng sản xuất chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất xi măng hàng đầu trên Thế giới. Từ trước tới nay, sản xuất xi măng truyền thống dùng nhiên liệu là than, dầu nay được thay bằng rác thải vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, vừa làm sạch môi trường, giảm bức xạ nhiệt mà chất lượng xi măng sản xuất ra không bị ảnh hưởng. TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, đã đến lúc ngành xi măng phải thay đổi cách nhìn nhận và cái nhìn của xã hội về ngành. Kỳ vọng lớn nhất là phải biến xi măng thành một ngành sản xuất thân thiện với môi trường.
Rác thải được sơ chế trước khi đưa vào dây chuyển sản xuất xi măng tại Xi măng Bút Sơn. |
Hiện nay, nhà máy Xi măng Bút Sơn đốt 2 lò khoảng 10 tấn mỗi ngày, tính ra khoảng 100.000 tấn/năm, bức xạ giảm được 1,5oC; ở TP.HCM thì khoảng 120.000 tấn, giảm được 2,5oC bức xạ nhiệt. Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch là một trong ba đơn vị thành viên của Vicem thực hiện Chương trình thử nghiệm xử lý rác thải, bùn thải, đang phải mua bùn thải của nhà máy Xử lý nước thải làng nghề Phong Khê (Bắc Ninh) để thay thế một phần nguyên liệu sét. Tuy nhiên, theo Vicem, trong quá trình triển khai Chương trình thử nghiệm đồng xử lý, có một số khó khăn, bất cập như chất thải tại Việt Nam hiện gần như chưa được thu gom, phân loại, sơ chế, nhất là chất thải sinh hoạt. Do vậy, rất khó khăn cho việc đồng xử lý. Theo các doanh nghiệp, có thể chủ động về công nghệ, con người để dùng nguồn rác thải sản xuất xi măng, nhưng cái khó đang ở cơ chế, chính sách. Tại các nước khác, doanh nghiệp xi măng đi thu gom, xử lý rác được trả tiền, còn ở Việt Nam thì phải đi mua, thậm chí nhiều nơi muốn mua cũng không được. Thời gian vừa qua, nhiều chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ được đưa ra, như luật Công nghệ cao, Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao đến năm 2020... Điểm chung của những chính sách này là hỗ trợ, ưu đãi nhất định, tạo điều kiện cho ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với doanh nghiệp Nhà nước, khi làm trực tiếp sẽ có nhiều vấn đề. Hiện nay đã có cơ chế đồng xử lý, nhưng cần cụ thể, rõ ràng hơn để khuyến khích các bên tham gia. Cần tầm nhìn trên góc độ lợi ích quốc gia, không của riêng ai; và khuyến khích kinh tế tuần hoàn. Theo Vicem, đề xuất cần có cơ chế công khai, minh bạch để giúp các doanh nghiệp có ý thức ứng dụng công nghệ vào sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường như Vicem giảm được chi phí biến đổi, có thể tiến hành đấu thầu nguyên, nhiên liệu thay thế.