Ngành xi măng giải bài toán Chính phủ giao thế nào?
Năm 2018 được coi là dấu mốc quan trọng để Tổng Cty xi măng Việt Nam (VICEM) toàn ngành chuyển mình. Hơn hết, năm 2018, xi măng đã đạt được những kỷ lục tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chưa từng có từ trước đến nay.
Dấu mốc lớn cho Vicem trong năm nay chính là việc thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và Bộ Xây dựng giao. Một trong những yếu tố đầu tiên được đề cập tới chính là việc tái cấu trúc Tổng công ty. Ngày 3/4/2018 khi làm việc với VICEM, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh 2 nhiệm vụ cụ thể.
Quan điểm của Vicem trong tái cấu trúc doanh nghiệp là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời, tái đầu tư để tập trung vào ngành chính cốt lõi. Cổ phần hóa theo lộ trình cũng sẽ gắn liền với tái cấu trúc doanh nghiệp.
Theo Tổng giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh, việc đầu tiên Chính phủ giao Vicem là xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm hiệu quả, phát triển bền vững và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng giao các Bộ, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện trong vấn đề cấp phép các mỏ nguyên liệu để VICEM đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra từ 7-10%.
Nhà máy Xi măng Bình Phước (Công ty Xi măng VICEM Hà Tiên 1) |
Cùng đó, tại công văn 4545/VPCP-TH (ngày 16/5/2018), Chính phủ còn giao cho VICEM phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, khắc phục tình trạng nợ nội bộ và tăng năng suất lao động từ 7-10%. Thêm một vấn đề Vicem được Chính phủ chỉ đạo trực tiếp nữa là phải nghiên cứu, tham mưu, đề xuất về chiến lược phát triển tổng thể ngành xi măng Việt Nam – ông Minh cho hay.
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) trong năm 2018, sản phẩm xi măng tiêu thụ đạt khoảng 96,73 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2017. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 65,08 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2017, riêng Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) tiêu thụ trong nước năm 2018 ước đạt khoảng 21,86 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2017.
Xuất hàng tại Công ty Xi măng VICEM Hải Phòng |
Đặc biệt xuất khẩu sản phẩm xi măng trong năm 2018 cả nước đạt khoảng 31,65 triệu tấn, tăng tới 55% so với năm 2017với trị giá hơn 1 tỷ USD.
Cho dù xuất khẩu clinker có thuận lợi nhưng về mặt chuyên môn, VICEM đã chủ động báo cáo lên Bộ Xây dựng và Chính phủ về việc không nên xuất khẩu clinke bởi đây là xuất nguyên liệu thô. Theo tính toán của Vicem, xi măng từ 1 tấn clinker bán ra khi xuất khẩu thì giá trị tăng gấp 1,8 lần so với việc xuất khẩu trực tiếp clinker. Không chỉ giá xuất khẩu xi măng thu về lợi nhuận cao hơn mà còn tận dụng được các nguyên liệu trong nước – ông Minh phân tích.
Hiện nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước cũng tăng nhưng tốc độ không nhanh, không cao bằng xuất khẩu. Chính vì vậy, mặc dù có những thời điểm “nóng” về xuất khẩu nhưng VICEMcho rằng vẫn cần kiên trì rà soát, đánh giá lại quy hoạch và chiến lược phát triển ngành xi măng Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này và sang năm 2019, các đơn vị trong hệ thống VICEM cơ bản trả hết nợ vốn vay dài hạn; từng bước sinh lợi nhuận; có tiền đầu tư. Sau khi trả hết nợ vốn vay thì vốn vay lưu động cũng sẽ giảm xuống. Cùng đó, VICEM thực hiện thiết lập kỷ cương xử lý công nợ nội bộ.
Năm nay, Tổng công ty siết chặt chính sách nợ phải thu – phải trả với các đơn vị thành viên; từng bước lành mạnh hóa tài chính nội bộ. Một số dự án đầu tư không sinh lời, không hiệu quả sẽ được tái cấu trúc lại để tập trung vào hướng chính là tăng năng lực sản xuất, tăng ngành nghề cốt lõi.
Công ty Xi măng VICEM Hạ Long |
Một trong những thành công đáng ghi nhận của Vicem là cơ cấu lại 2 đơn vị nhận từ Bộ Xây dựng là Công ty Xi măng Hạ Long và Sông Thao. Từ khi đưa 2 đơn vị này về với hệ thống, VICEM đã trả nợ cho Xi măng Hạ Long khoản nợ 1.400 tỷ đồng chưa trả được cho Bộ Tài chính và tiếp tục cân đối trả tiếp. Với xi măng Sông Thao, VICEM cũng đang cân đối để từng bước trả nợ cho nước ngoài khoản nợ vay đến hạn.