Tel: ( +84.24)38.512425 - Fax: ( +84.24) 38.512778

Doanh nghiệp xi măng vượt khó

Cập nhật: 14:33 | 13/09/2023

Thời điểm hiện tại, nhiều dây chuyền sản xuất xi măng đang dư thừa công suất, trong khi thị trường tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu đều gặp khó khiến các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt với nhiều thách thức

Mặc dù có tin vui trong những ngày gần đây khi xuất khẩu được lô hàng xi măng ASTM C150 Type I bao 40kg sang thị trường Mỹ nhưng Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên cũng đang đứng trước khó khăn rất lớn khi kết quả kinh doanh không khả quan trong quý vừa qua. Báo cáo tài chính quý II/2023 cho thấy, doanh nghiệp có doanh thu thuần hợp nhất giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn gần 1.999 tỷ đồng; lãi sau thuế́ hợp nhất chỉ còn hơn 58,7 tỷ đồng, giảm gần 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng chung cảnh ngộ, đại diện Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn cho biết, thời gian qua là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay. Nhu cầu xi măng thấp do, suy thoái kinh tế, bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình, dự án chậm triển khai, thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Điều này khiến trong quý II/2023 doanh nghiệp này bị thua lỗ sau thuế hơn 17,2 tỷ đồng.

Ông Hà Quang Hiện, Chánh văn phòng Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ (nội địa lẫn xuất khẩu) của Vicem nửa đầu năm 2023 đều không đạt.

doanh nghiep xi mang vuot kho

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), năng lực sản xuất xi măng năm 2023 của Việt Nam đạt hơn 120 triệu tấn, nếu điều chỉnh tỷ lệ phụ gia thì khả năng sản xuất sẽ lên tới 140 triệu tấn. Trong khi đó, mức tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 65 triệu tấn. Để tiêu thụ hết sản lượng còn lại, các doanh nghiệp xi măng đang trông chờ vào thị trường xuất khẩu truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Bangladesh. Tuy nhiên thị trường chính là Trung Quốc vẫn trầm lắng; thị trường xuất khẩu lớn thứ hai là Philippines mới đây công bố áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam; cùng với đó, việc tăng thuế xuất khẩu với clinker từ 5% lên 10% cũng đang khiến các doanh nghiệp điêu đứng.

Trước những khó khăn, thách thức trên, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có biện pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn; chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, nhà ở…

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp xi măng cũng cần chủ động tìm cách phát triển sản phẩm mới và cải tiến để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tăng doanh số bán hàng; mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới cả trong và ngoài nước.

Chia sẻ kinh nghiệm về mở rộng thị trường xuất khẩu mới, đại diện Vicem Hà Tiên cho biết, lý do đối tác nước ngoài đánh giá cao và yên tâm lựa chọn sản phẩm của đơn vị vì đảm bảo tính thân thiện với môi trường. Thời gian qua, doanh nghiệp đã tích cực nghiên cứu, đầu tư các hệ thống, thiết bị sản xuất tiên tiến mới hơn nhằm xây dựng môi trường sản xuất hiện đại, không khói bụi, đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, tích hợp cùng hệ thống quản lý tích hợp theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Nguồn: thoibaonganhang.vn