Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM). Tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp Xi măng được thành lập ngày 01/10/1979, Liên hiệp các xí nghiệp Xi măng được thành lập để quản lý các nhà máy xi măng trong cả nước.
Ngày 05/10/1993 Bộ xây dựng có Quyết định số 456/BXD-TCLĐ đổi tên Liên hiệp các xí nghiệp Xi măng thành Tổng công ty Xi măng Việt Nam; Ngày 14/11/1994 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 670/TTg về việc thành lập Tổng công ty Xi măng Việt Nam hoạt động theo mô hình tổng công ty 91.
Trong chặng đường phát triển, ngành Xi măng Việt Nam chia thành nhiều giai đoạn phát triển có thể kể đến một số giai đoạn sau:
- Giai đoạn trước năm 1930: Khi đó trên lãnh thổ Việt Nam mới chỉ có nhà máy Xi măng Hải Phòng do người Pháp xây dựng năm 1899, đến năm 1955 thuộc về nhà nước Việt Nam quản lý, vận hành phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
- Giai đoạn sau khi đất nước được thống nhất năm 1975 có thêm nhà máy xi măng Hà Tiên (Kiên Giang). Từ năm 1980 đến 1993 đất nước có thêm nhà máy xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) do Liên Xô giúp đầu tư xây dựng và Hoàng Thạch (Hải Dương) do Đan Mạch cung cấp thiết kế thiết bị toàn bộ.
- Giai đoạn từ 1993 đến nay ngành Xi măng Việt Nam có bước phát triển vượt bậc với nhiều hình thức đầu tư xây dựng gồm:
* Các nhà máy xi măng do VICEM tự đầu tư để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng đất nước như: Bút Sơn 1&2; Bỉm Sơn 2&3; Hoàng Thạch 3; Hà Tiên 1- Bình Phước; Hà Tiên 2- Kiên Lương; Hải Phòng mới và các nhà máy do địa phương đầu tư chuyển giao cho VICEM: Hoàng Mai; Tam Điệp. Các nhà máy do các ngành khác đầu tư chuyển giao cho VICEM: Hải Vân; Hạ Long; Sông Thao.
* Các nhà máy xi măng liên doanh với VICEM gồm: Chinhfon (Đài Loan); Nghi Sơn (Nhật Bản); Siam City Cement (Thái Lan)
* Các nhà máy do các địa phương, các ngành và doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Đặc biệt từ năm 2006 đến nay khối doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà máy Xi măng.
Trải qua hơn 120 năm xây dựng và phát triển (kể từ khi xây dựng nhà máy Xi măng Hải Phòng) và hơn 40 năm thành lập VICEM được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ Xây dựng, hiện nay VICEM có 10 nhà máy sản xuất Xi măng với 16 dây chuyền sản xuất, công xuất 20 triệu tấn Clinker và 27 triệu tấn xi măng/năm. Các nhà máy xi măng của VICEM có công nghệ hiện đại từ các nước EU, G7, được phân bố khắp đất nước. Các thương hiệu Xi măng của VICEM: Xi măng VICEM Hải Phòng, Xi măng VICEM Bỉm Sơn, Xi măng VICEM Hoàng Thạch, Xi măng VICEM Hà Tiên, Xi măng VICEM Bút Sơn, Xi măng VICEM Hoàng Mai… đã xây dựng các công trình trọng điểm của Quốc gia, công trình công nghiệp và dân dụng trên cả nước, ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng. Bên cạnh đó VICEM còn tham gia liên doanh với 3 công ty và nắm cổ phần chi phối/liên kết với 18 công ty tham gia chuỗi giá trị sản xuất và kinh doanh: Cung ứng Than, Thạch cao, vỏ bao, vận tải và phân phối sản phẩm. VICEM còn có Viện Công nghệ Xi măng làm nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu; công ty Tư vấn đầu tư & phát triển, chuyên tư vấn thiết kế dây chuyền công nghệ và sử dụng thiết bị Xi măng; Trường Trung cấp nghề kỹ thuật Xi măng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề sản xuất Xi măng. Đội ngũ Cán bộ, Kỹ sư, Công nhân kỹ thuật VICEM dày dạn kinh nghiệm và kỹ năng trong quản lý và vận hành các nhà máy Xi măng là nguồn lực quan trọng của ngành xi măng Việt Nam.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, nhiều tập thể, cá nhân của VICEM được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quí.
Hiện nay VICEM đang tập trung vào việc nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa các dây chuyền công nghệ, phát huy tối đa nội lực. Cân đối phân bổ năng lực sản xuất phù hợp với từng thương hiệu, đảm bảo cân đối giữa năng lực sản xuất và thị trường. Tập trung thực hiện các công việc để cổ phần hóa công ty mẹ, các công ty 100% vốn Nhà nước để có nguồn vốn phát triển năng lực sản xuất bằng việc đầu tư mới, hoặc nhận `chuyển giao các doanh nghiệp mà Chính phủ, Bộ Xây dựng giao cho VICEM, giữ vững vai trò trụ cột, là cân đối lớn của ngành xi măng Việt Nam; tiếp tục đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ để bắt nhịp kịp thời với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Tiếp tục quan tâm công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, tham gia các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bằng nghĩa cử và đạo lý mà VICEM đã và đang thực hiện.