Tel: ( +84.24)38.512425 - Fax: ( +84.24) 38.512778

Năm 2019: Dự báo xuất khẩu xi măng sẽ chạm mốc 32 triệu

Cập nhật: 09:46 | 08/11/2019

Số liệu thống kê của Công ty Cổ phần Dữ liệu kinh tế Việt Nam (Vietdata) cho hay, 8 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu xi măng và clinke đạt 20,7 triệu tấn, chỉ tăng 0,6% so với cùng kì, thấp hơn nhiều so với mức tăng 70,8% của 8 tháng đầu năm 2018.    

Giá trị xuất khẩu đạt 872,8 triệu USD, tăng 12,3%. Trong đó, giá xuất khẩu clinker và xi măng bình quân đạt 42,1 USD/tấn, tăng 11,6%.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu clinker và xi măng lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 41% tổng lượng xuất khẩu, tăng gần 50% về lượng và 61,6% về giá trị so với cùng kì.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng, cho biết năm nay, toàn ngành xi măng đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn và tiêu thụ trong nước từ 69 - 70 triệu tấn xi măng.

Hoạt động của doanh nghiệp xi măng tốt hơn nhờ thị trường xuất khẩu tích cực, sản lượng xuất khẩu có khả năng vượt con số 32 triệu tấn.

Trước đây, cơ cấu xuất khẩu thường là clinker chiếm 2/3, 1/3 còn lại là xi măng, nhưng hiện nay, lượng xuất khẩu xi măng đang tăng lên, giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị.

Triển vọng của doanh nghiệp xi măng trong cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là vào mùa xây dựng cuối năm. Dự báo, tình hình xuất khẩu vẫn ổn định, không tăng hơn nhưng xuất khẩu xi măng trong năm 2019 có thể chạm mốc 32 triệu tấn vào cuối năm nay, ông Cung cho hay.

nam 2019 du bao xuat khau xi mang se cham moc 32 trieu

Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, xi măng Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới, khi có mặt tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đặc biệt năm 2018 Việt Nam xuất khẩu 32 triệu tấn xi măng, clanke chiếm trên 1/7 dưới 1/6 của thế giới, trở thành quốc gia xuất khẩu xi măng nhiều nhất.

Tuy nhiên, công nghiệp sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu xi măng đang đứng trước những cơ hội và thách thức. Cụ thể, với những doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, qui mô sản xuất nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc xuất khẩu.

Ngoài ra, một khó khăn khác là mới đây, Bộ Công nghiệp và Thương mại Philippines (DTI) thông báo sẽ áp dụng biện pháp tự vệ trong 3 năm với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong năm đầu tiên, mỗi tấn xi măng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bị thu thuế 250 peso, tương đương 4,8 USD, năm thứ 2 là 225 peso và 200 peso trong thời gian còn lại. Biện pháp tự vệ này có hiệu lực từ ngày 18/9.

Do đó, ông Cung cho rằng thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, phải có sự thay đổi về chất thì mới có thể cạnh tranh với các liên doanh, doanh nghiệp FDI và thị trường xuất khẩu thế giới.

Còn theo ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tổ chức Triển lãm Quốc tế Xây dựng Vietbuild, cho hay theo dự báo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam với tình hình không có nhiều thay đổi từ cơ chế, chính sách, nguồn hàng mới từ các dự án ở TP HCM sẽ tiếp tục khan hiếm vào cuối năm và có chiều hướng sụt giảm so với quí III/2019. Đặc biệt là thiếu hẳn phân khúc nhà ở giá thấp.

Tại Hà Nội, nguồn cung có thể không tăng, chỉ tương đương quí III. Trong đó tỉ trọng các phân khúc nhà ở không có nhiều thay đổi. Giao dịch có thể vượt quí III/2019 nhưng không đạt mức cùng kì năm 2018.

Điều này cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là mặt hàng xi măng vào những tháng cuối năm.

Do đó, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao và có biện pháp bình ổn nếu cần thiết. Ngoài ra cũng cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đáp ứng các sản phẩm có mẫu mã mới, sản phẩm xanh, công nghệ thông minh và chất lượng được nâng cao.

Một trong những cơ hội có thể tận dụng chính là việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế, bởi thông qua đó doanh nghiệp dễ dàng hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư.

Nguồn: ximang.vn (TH/ vietnambiz)