Xi măng Việt nam phát triển theo hướng một ngành kinh tế mạnh
Cập nhật: 17:10 | 30/11/2022
Trước yêu cầu phát triển của đất nước đặt ra với sứ mệnh đóng góp, cũng như khẳng định vai trò quan trọng của ngành xi măng thì việc định hướng phát triển ngành trong giai đoạn tiếp theo là cần thiết
Trong khuôn khổ kế hoạch triển khai xây dựng báo cáo “Giải pháp phát triển ngành xi măng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Bộ Chính trị, ngày 29/11 tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tổng công ty Xi măng Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Giải pháp phát triển ngành xi măng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Dự tọa đàm về phía Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có PGS.TS Đinh Thị Nga, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế; về phía VICEM có ông Phạm Minh Đức, Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ Tổng Công ty Xi măng Việt Nam cùng đại diện Bộ Xây dựng, các hiệp hội, đơn vị, doanh nghiệp thành viên và các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xi măng.
Toàn cảnh buổi Toạ đàm |
Cơ sở xây dựng định hướng phát triển xi măng
Đảm bảo chính sách phát triển ngành theo quy định của luật pháp, không vi phạm các thỏa ước quốc tế về thương mại đầu tư mà Việt Nam tham gia, thì cần kiểm soát chặt chẽ và kịp thời việc các doanh nghiệp nước ngoài chi phối các doanh nghiệp xi măng trong nước và các mỏ nguyên liệu đá vôi, đặc biệt là những mỏ có vai trò trọng yếu về an ninh quốc phòng, đảm bảo an ninh kinh tế, quốc phòng và công tác an sinh xã hội.
Trên cơ sở kiểm soát, quản lý các doanh nghiệp xi măng sử dụng tài nguyên có hiệu quả, hướng tới mục tiêu tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2, NO2, bụi khí thải… không gây hại môi trường. Cần đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn, khởi tạo mô hình kinh tế tuần hoàn cụ thể tăng số lượng doanh nghiệp có quy mô lớn cũng như tăng tỷ lệ dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại.
Đảm bảo cân đối cung - cầu hợp lý, để nguồn xi măng không dư thừa, giám sát chặt chẽ công tác xuất khẩu xi măng và clinker ra nước ngoài, tránh tình trạng khai thác tài nguyên xuất khẩu quá mức, gây ảnh hưởng tới môi trường, đồng thời gia tăng tận dụng phế liệu các ngành công nghiệp khác như xỉ nhiệt điện, tro bay…
Định hướng phát triển theo quy hoạch
Từ năm 1997 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt ban hành 4 Quy hoạch cho phát triển công nghiệp xi măng, điển hình là sự điều chỉnh quy hoạch có tính bước ngoặt cho ngành xi măng Việt Nam là Quy hoạch số 108/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 đã mở ra một thời kỳ phát triển khá toàn diện cho ngành. Kết quả từ năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam tự sản xuất đủ clinker, xi măng phục phụ nhu cầu xây dựng trong nước với sức tiêu thụ 50,2 triệu tấn, nâng tổng công suất thiết kế trên 55 triệu tấn. Việt Nam bắt đầu dành một phần sản lượng xi măng, clanhker để xuất khẩu, hình thành những nhà máy sản xuất xi măng quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Từ đây, đáp ứng cân đối nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, năm 2010 ngành xi măng Việt Nam đã tự sản xuất đủ clinker. Xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước và đã có dư nguồn cung xi măng, đến năm 2021, năng lực sản xuất đạt đạt 106,2 triệu tấn xi măng, trong đó tiêu thụ nội địa là 59,1 triệu tấn và xuất khẩu là 44,2 triệu tấn. Dự kiến năm 2022 ngành Xi măng Việt Nam sản xuất 107 triệu tấn xi măng.
Tuy nhiên về cơ sở pháp lý còn thiếu quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam sau khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017, không còn lập và phê duyệt phát triển ngành, do đó rất khó trong lựa chọn và phê duyệt các dự án phát triển ngành xi măng
Nhằm khẳng định tầm nhìn, định hướng mà các quy hoạch đã nêu ra, xi măng Việt Nam phát triển theo hướng một ngành kinh tế mạnh.
TS Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm |
Tại buổi Tọa đàm, TS Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam khẳng định phải đưa ngành xi măng vào quy hoạch, nếu không có quy hoạch khi hàng loạt nhà máy xi măng ra đời sẽ nâng tổng công suất lên, gây chênh lệch nguồn cung và cầu.
Ngành xi măng không phải là ngành hàng hóa thông thường, để xây dựng một nhà máy cần đầu tư sản xuất gắn với tài nguyên khoáng sản, các thủ tục đầu tư theo một quy trình nghiêm ngặt đúng pháp luật, là phương thức đầu tư lâu dài nên xi măng không phải là quy hoạch của một ngành.
Theo ông Mai Hồng Hải, Công ty Xi măng Vicem Hạ Long, trong thực tiễn quy hoạch số 108/2005/QĐ-TTg là quy hoạch có ý nghĩa hết sức căn bản đã hoạch định cho ngành xi măng phát triển thay đổi từ ngành phải nhập khẩu clanhker, công nghệ tương đối lạc hậu, nay đã trở thành một ngành công nghiệp xi măng phát triển đứng thứ 3 - 4 trên thế giới.
Với đặc thù của ngành xi măng, nhà máy sản xuất gắn liền với nguồn nguyên liệu nên việc bỏ quy hoạch xi măng theo nguyên tắc quy định của luật quy hoạch mới, thì bên cạnh đó cần phải có văn bản định hướng phát triển ngành xi măng trong giai đoạn 2030 tầm nhìn 2040.
Sản xuất xi măng chủ yếu nguồn nguyên liệu là đá vôi, đây là nguồn tài nguyên khoáng sản không tái tạo. nếu nhìn trên bản đồ Việt Nam thì các dải đá vôi đều là dải theo hình cánh cung núi đá nhìn ra biển đông Nên ngoài vị trí để sản xuất, các nhà máy xi măng đều được đặt ở các vị trí có ý nghĩa chiến lược quốc phòng an ninh. Do đó, phát triển ngành xi măng phải đảm bảo an ninh kinh tế quốc phòng.
Về công tác tích hợp quy hoạch, như với Xi măng Vicem Hạ Long trước đây được quy hoạch cả dự án và nguồn nhiên liệu nhưng nếu sau này có sự thay đổi về quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Ninh phải dời bỏ toàn bộ nguồn nhiên liệu hiện có thì nhà máy sẽ phát triển trên nguồn nhiên liệu nào? Như vậy cần sự đồng bộ giữa quy hoạch của xi măng và vật liệu xây dựng đối với quy hoạch vùng, liên vùng.
Bên cạnh đó, giải pháp phát triển xi măng cần căn cứ trên nguyên tắc nhu cầu dự báo cho xi măng tầm nhìn 10 năm, 20 năm. Đây là định hướng quan trọng giúp cân đối phù hợp giữa nguồn lực cung và cầu.
Hướng tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh
Theo ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hà Tiên, cho biết công việc xử lý môi trường trong sản xuất xi măng, công nghệ xi măng đang từng bước chuyển sang sử dụng công nghệ lò quay khô (công nghệ sản xuất tối ưu và hiệu quả với nhiệt độ 1.450 độC cho phép xử lý nhiều loại chất thải trong đó có nhiều loại chất thải nguy hại với khối lượng lớn như Dioxinm Furan,,,) hướng tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Trong xu thế tất yếu đó, ngành xi măng đang chuyển mình mạnh mẽ và triển khai thực hiện kinh tế tuần hoàn, xử lý môi trường thông qua công nghệ xử lý rác, bùn thải và sử dụng phế liệu công nghiệp như tro, xỉ thạch cao nhân tạo… để thay thế một phần nguyên liệu nhiên liệu trong sản xuất xi măng
Xi măng Vicem Hà Tiên kiến nghị, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ ngành liên quan có quy hoạch vùng giao cho các nhà máy xi măng có đủ điều kiện để xử lý nguồn thải nguy hại phát sinh. Có những chính sách hỗ trợ trong đầu tư cũng như đơn giản hóa thủ tục trong việc xin giấy phép xử lý môi trường.
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty xi măng Vicem Sông Thao cho biết: Đổi mới sáng tạo trong sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, những năm qua, Vicem Sông Thao đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cải tiến sáng kiến kỹ thuật và ứng dụng thành quả vào sản xuất. Các giải pháp như sử dụng 100% thạch cao nhân tạo thay thế cho thạch cao tự nhiên trong sản xuất xi măng.
Thực hiện chủ trương của Tổng công ty Xi măng Việt Nam về việc nghiên cứu sử dụng chất thải làm nguyên, nhiên liệu sản xuất xi măng, đầu năm 2020 Vicem Sông Thao đã tiến hành các thủ tục pháp lý, lắp đặt hệ thống đốt thủ công nhiên liệu thay thế cho một phần than cám. Đưa vào vận hành thử nghiệm với loại nhiên liệu thay thế là vải vụn, da vụn đế dày, mùn cưa và gỗ vụn. Sông Thao đã rất thành công cả về mặt kinh tế và hiệu quả mỗi tháng đốt 2000 tấn rác thải công nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện có gặp khó khăn và rủi ro khi cơ chế pháp lý về môi trường và giá thành chưa có. Nguồn rác đang dần khan hiếm, phải mua với giá hiện hành là 1.200.000 đồng/tấn,
Như tính toán hiện nay, mỏ của Sông Thao chỉ còn sử dụng trong 2 năm nữa mà theo lộ trình đang trong giai đoạn thăm dò phải 5 năm nữa mới khai thác mỏ mới. Đây là một trong những khó khăn của nhà máy, Vicem Sông Thao kiến nghị có cơ chế pháp lý về xử lý nguồn rác thải, đẩy nhanh tiến trình cấp phép hoạt động mỏ mới.
Tại buổi tọa đàm, ý kiến từ các hiệp hội doanh nghiệp tập trung đến vai trò vị trí và sứ mệnh của ngành xi măng để tiếp tục hoàn thiện thể chế hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp xi măng theo hướng xanh, như ứng dụng công nghệ sạch thân thiện với môi trường.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế liên quan đến phát triển ngành xi măng như Luật Quy hoạch, luật các ngành, nghị định, văn bản liên quan. Cụ thể: khắc phục sự chồng chéo trong xử lý các văn bản luật, cũng như giải pháp về môi trường.
Có cơ chế chính sách và định hướng phát triển ngành Xi măng trong thời gian tới, định hướng gắn với chính sách sử dụng nguồn nguyên liệu tiết kiệm, bảo vệ môi trường, giảm phát thải, định hình chính sách công nghệ và sử dụng công nghệ, định hướng khai thác tài nguyên, sử dụng công nghệ và kết nối thị trường.
Trong đó có kiến nghị Chính phủ cần ban hành cơ chế chính sách quản lý phát triển ngành Xi măng, như quy hoạch mỏ, cấp giấy phép thăm dò, phê duyệt dự trữ lượng, quản lý công nghệ, công suất và môi trường trong sản xuất xi măng.
Nguồn Tạp chí Xây dựng
-
Chuyên đề Chuỗi giá trị ngành sản xuất Xi măng P1