41 mùa hoa VICEM vươn cao thành trụ cột ngành Xi măng Việt Nam
Cập nhật: 15:18 | 04/01/2021
Từ Liên hiệp các xí nghiệp Xi măng (tiền thân của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam - VICEM) được thành lập 01/10/1979, với công suất 700.000 tấn/năm; từ hai thương hiệu Xi măng Hải Phòng và Xi măng Hà Tiên, sau 41 năm xây dựng phát triển, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam vươn mình trở thành doanh nghiệp xi măng lớn nhất Đông Nam Á, trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam.
Từ Liên hiệp các Xí nghiệp Xi măng ...
Sau chiến tranh, ngành Công nghiệp xi măng nước ta yếu kém, lạc hậu, năng lực sản xuất thấp, không đáp ứng nhu cầu xã hội. Cả nước có 2 nhà máy sản xuất xi măng lớn. Phía Bắc là Xi măng Hải Phòng (xây dựng năm 1809), phía Nam là Nhà máy Xi măng Hà Tiên (xây dựng năm 1964).
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tổ chức lại nền sản xuất theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, sau khi hòa bình lập lại, để khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cơ sở hạ tầng tái thiết đất nước, ngày 01/10/1979, Liên hiệp các xí nghiệp Xi măng (tiền thân của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam) được thành lập.
Nhà máy Xi măng Hải Phòng năm 1959. |
Sự ra đời của Liên hiệp các xí nghiệp Xi măng giúp ngành Xi măng có cơ quan quản lý chuyên ngành trực tiếp để giải quyết các vấn đề phát triển ngành như: Tổ chức sử dụng, huy động nguồn lực đầu tư cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất các nhà máy, đưa ngành Xi măng lên vị trí xứng đáng trong nền kinh tế nói chung và ngành vật liệu xây dựng nói riêng.
Ngay sau khi thành lập, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Xây dựng đã chỉ thị ưu tiên phát triển xi măng, đẩy nhanh tiến độ, lắp đặt hoàn chỉnh, đồng bộ Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn và Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, đồng thời phát huy công suất các nhà máy xi măng hiện có, mở rộng Nhà máy Xi măng Hà Tiên.
Với sự quyết tâm, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, năm 1984, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn hoàn thành xây dựng 2 dây chuyền. Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch lắp đặt dây chuyền sản xuất xi măng lò quay phương pháp khô, chu trình khép kín, có hệ thống trao đổi nhiệt 4 tầng, hệ thống làm nguội kiểu hành tinh gồm 10 lò con, dây chuyền 1 cho ra mẻ clinker đầu tiên ngày 25/11/1983.
Đại hội Đại biểu lần thứ III của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam |
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, giai đoạn 1986-1993 và giai đoạn 1994-2000, những người thợ xi măng tiên phong thay đổi từ nhận thức đến tư tưởng, phương pháp quản lý, làm chủ khoa học công nghệ, thực hiện sứ mệnh góp phần xây dựng đất nước.Nhờ đẩy mạnh công tác quản lý kỹ thuật, quản lý lao động, quản lý vật tư và quản lý tài chính, sản lượng của Liên hiệp tăng mạnh từ 549.936,5 tấn năm 1980 lên 1.335.000 tấn năm 1985, tăng 246,4%. Sản phẩm của các nhà máy trong Liên hiệp có mặt ở nhiều công trình trọng điểm quốc gia như công trình thủy điện, sân bay, cầu cảng, quốc phòng an ninh. Đặc biệt, Nhà máy Xi măng Hải Phòng sản xuất loại xi măng đặc biệt P600 xây dựng Lăng Bác. Nhiều sản phẩm còn có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Đến trụ cột ngành Xi măng Việt Nam
Với công suất 700.000 tấn/năm từ ngày đầu thành lập với 2 thương hiệu là Xi măng Hải Phòng và Xi măng Hà Tiên, công nghệ sản xuất lạc hậu, trải qua nhiều giai đoạn phát triển với bao thăng trầm cùng lịch sử của đất nước, đến nay VICEM trở thành doanh nghiệp xi măng lớn nhất Đông Nam Á với 10 nhà máy sản xuất xi măng có 16 dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại từ các nước EU, G7, đưa VICEM trở thành trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam.
Hơn 40 năm qua, VICEM sản xuất, cung ứng cho thị trường hơn bốn trăm triệu tấn sản phẩm. Trở thành doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường của ngành Xi măng Việt Nam, thương hiệu VICEM được nâng lên tầng cao mới.
Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên VICEM Bùi Hồng Minh, với trách nhiệm là doanh nghiệp lớn của Nhà nước, VICEM tập trung nhiều giải pháp, tổ chức sản xuất kinh doanh ổn định, hoàn thành tốt kế hoạch hàng năm, thực hiện tái cơ cấu toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp nhận và tái cấu trúc các nhà máy xi măng thuộc các tổng công ty khác theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng. Đẩy mạnh công tác đổi mới - sáng tạo, khẳng định vai trò, vị trí đầu tàu của VICEM là doanh nghiệp dẫn dắt ngành Xi măng Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
VICEM xanh - Phát triển bền vững. |
Trong sản xuất, VICEM chủ động tái cấu trúc mô hình tổ chức, áp dụng công cụ quản lý tiên tiến, xử lý "nút thắt"; thử nghiệm xử lý rác thải công nghiệp, bùn thải để thay thế một phần nguyên nhiên liệu trong sản xuất xi măng; sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo và bảo vệ môi trường... Nhiều dây chuyền sản xuất của VICEM đang hoạt động vượt công suất 11 - 16%, giúp VICEM tăng thị phần nắm giữ lên 35% trên toàn thị trường trong nước. Tính đến đầu năm 2020, vốn chủ sở hữu của VICEM là 21.480 tỷ đồng, tăng gần 8% so với năm 2015.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên VICEM Bùi Hồng Minh khát vọng đưa VICEM trở thành doanh nghiệp số với những nhà máy xi măng thông minh.
“VICEM phát triển theo chiều dài lịch sử đất nước và lịch sử ngành Xi măng Việt Nam, từ công nghệ cũ đến công nghệ mới; các dây chuyền đa dạng về mức độ tự động hóa nên việc triển khai áp dụng số hóa nhà máy sẽ phải chia 2 giai đoạn và lựa chọn mức đầu tư tiết kiệm, hiệu quả… Giai đoạn 1 là số hóa nhà máy và giai đoạn 2 là áp dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất và tiêu thụ Xi măng như trí tuệ nhân tạo, IOT…”, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VICEM Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.
Trong chặng đường mới VICEM đang hướng đến phát triển xanh bền vững. Ở đó, phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải C02.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, VICEM còn tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội với đóng góp lớn cho xã hội.
Chặng đường 41 năm, VICEM đang có bước chuyển mình quyết liệt với phát triển bền vững, phát triển xanh, đi đầu thích ứng với xu thế phát triển chung của ngành Xi măng thế giới. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, VICEM vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; nhiều tập thể, cá nhân của VICEM được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Vũ Huyền
Nguồn: Báo Xây dựng
-
Chuyên đề Chuỗi giá trị ngành sản xuất Xi măng P1