Hiệu quả từ dự án cải tạo hệ thống lò nung Xi măng Hoàng Mai khẳng định chủ trương phát huy nội lực trong đổi mới sáng tạo của VICEM
Cập nhật: 13:31 | 16/05/2022
Công ty CP xi măng Vicem Hoàng Mai là đơn vị thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam. Sau hơn 20 năm có mặt trên thị trường, sản phẩn của Vicem Hoàng Mai với biểu tượng “con chim Lạc” đã khẳng định được vị trí của mình trên thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu.
Sự cần thiết của việc thực hiện sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt
Hệ thống lò nung Hoàng Mai có năng suất thiết kế 4.000 tấn Clinker/ngày, tương đương 1,26 triệu tấn clinker trên một năm do hãng FCB - Cộng hòa Pháp cung cấp, lắp đặt và chuyển giao đồng bộ. Là hệ thống lò nung 3 bệ, tháp trao đổi nhiệt 5 tầng, hai nhánh cyclone trao đổi nhiệt, Calciner Off - Line dạng downdraft loại 2552 của FCB, nhiên liệu sử dụng than cám 3 và 4a (HG) của Quảng Ninh.
Sau 20 năm đưa vào vận hành hệ thống lò nung Hoàng Mai đã bộc lộ những vấn đề về thiết bị công nghệ như: Hiệu quả cháy của than ở Calciner kém; Sụt áp của hệ thống cyclone tháp trao đổi nhiệt lớn, hiệu suất lắng của cylone C1 thấp; Hiệu suất thu hồi nhiệt của hệ thống ghi làm lạnh thấp. Những tồn tại nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến tiêu hao năng lượng, không nâng cao được năng lực sản xuất, khó khăn trong việc sử dụng nhiên liệu có phẩm cấp thấp, khó khăn khi sử dụng rác thải làm nguyên nhiên liệu thay thế, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của Công ty.
Với những tồn tại nêu trên, việc thực hiện sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt là việc làm cần thiết trong điều kiện hiện nay khi mà nguồn cung ứng than cám gặp rất nhiều khó khăn, nhà máy cần tiết giảm các chi phí cũng như nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng cho công tác tiêu thụ từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh |
cũng như đáp ứng các yêu cầu về phát thải ra môi trường ngày càng thắt chặt. Đặc biệt có thể sử dụng hiệu quả rác thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế phù hợp với định hướng Tổng công ty Xi măng Việt Nam về công nghệ sản xuất xi măng thế hệ mới theo hướng “Tuần hoàn tự nhiên - Phát thải bằng không - Natural Cycle - Zero Emission”, cũng như chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 của Chính phủ.
Công trường sửa chữa, cải tạo hệ thống lò nung Công ty Xi măng Hoàng Mai |
Qua quá trình tự nghiên cứu, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm khi thực hiện sửa chữa, cải tạo các dây chuyền lò nung của các đơn vị trong VICEM như: Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hải Phòng, cũng như sự mong mỏi sau nhiều năm ấp ủ dự án sửa chữa, cải tao chiều sâu, xử lý nút thắt hệ thống lò nung Hoàng Mai. Đặc biệt với sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ kỹ thuật VICEM nói chung và Vicem Hoàng Mai nói riêng trong việc nắm bắt, tự làm chủ thiết bị, công nghệ. Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã tin tưởng, chỉ đạo Vicem Hoàng Mai phối hợp với đơn vị trong Vicem và đơn vị tư vấn trong nước là Viện Vật liệu xây dựng tự thực hiện sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt hệ thống lò mà không phải thuê chuyên gia nước ngoài, thiết bị được nội địa hóa 100%. Việc tự thực hiện sửa chữa, cải tạo có ý nghĩa rất lớn đặc biệt trong tình hình tại thời điểm lập phương án dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp, giá nguyên nhiên liệu có xu hướng ngày càng tăng. Việc thuê chuyên gia nước ngoài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sửa chữa, chi phí thực hiện (chi phí thuê chuyên gia tư vấn đối với các dự án tương tự tại Việt Nam khoảng trên dưới 20 tỷ đồng), cũng như phải phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ nước ngoài. Toàn bộ vật tư, thiết bị cho sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt được các đơn vị trong nước gia công, chế tạo và lắp đặt 100%, từ đó góp phần giảm chi phí thực hiện, đẩy nhanh tiến độ trong điều kiện nhập khẩu thiết bị nước ngoài rất khó khăn, mất nhiều thời gian do dịch bệnh Covid 19.
Triển khai thực hiện
Với sự chỉ đạo, hỗ trợ của VICEM và các đơn vị thành viên trong VICEM, sự phối hợp của đơn vị tư vấn Viện Vật liệu xây dựng, Vicem Hoàng mai đã thực hiện sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt với phạm vi công việc: Cải tạo, thay thế 4 cyclone C1 bằng cyclone thế hệ mới nâng cao hiệu suất lắng.- Thay thế 30 dầm ghi và hàng ghi 1 bằng dầm ghi, kiểu tấm ghi thế hệ mới. Cải tạo Calciner Off - Line kiểu downdraft của FCB sang dạng In – Line. Cải tạo Kilnhood để thay đổi vị trí thu hồi nhiệt gió 3. Cải tạo các thiết bị phụ trợ đi kèm: Phần ống gió 3 kết nối với Kilnhood, Calciner
Hình ảnh: Cyclone C1 sau cải tạo |
Đánh giá quá trình thực hiện:
Thấy được hiệu quả rất lớn mà công tác sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt mang lại, Tổng Công ty xi măng Việt Nam đã chỉ đạo Vicem Hoàng Mai chủ động thay đổi thời gian dừng sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt lò nung dự kiến tháng 07/2022 với thời gian dừng lò nung 30 ngày sang thực hiện trong tháng 3/2022. Việc thay đổi thời gian dừng lò phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty cũng như diễn biến trị trường giá nguyên, vật liệu lúc bấy giờ, đặc biệt sẽ tăng hiệu quả rất lớn cho Công ty xi măng Hoàng Mai trong 3 quý còn lại của năm.
Cùng với sự hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt từ công ty mẹ VICEM và các đơn vị thành viên; Sự đồng thuận quyết tâm của tập thể Vicem Hoàng Mai; Sự hỗ trợ hiệu quả của đơn vị tư vấn, cũng như việc sử dụng 100% vật tư, thiết bị chế tạo trong nước và không phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, Công ty đã hoàn thành công tác sửa chữa, cải tạo sớm hơn kế hoạch đặt ra 2,3 ngày đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, đáp ứng an toàn và hiệu quả trong suốt quá trình thực hiện
Hình ảnh: Calciner sau khi sửa chữa, cải tạo |
Hiệu quả của dự án
Về kỹ thuật: Qua đánh giá bước đầu việc sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt đã mang lại hiệu quả kỹ thuật rất lớn, cụ thể:
Tăng năng suất lò nung lên khoảng 300 tấn clinker/ngày so với trước cải tạo (tương đương 100.500 tấn clinker/năm), tăng 600 tấn clinker/ngày so với năng suất thiết kế (201.000 tấn clinker/năm). Giảm tiêu hao nhiệt cho sản xuất clinker khoảng 45 kcal/kg clinker. Giảm trên 2 kWh/tấn clinker. Sử dụng hiệu quả than có phẩm cấp thấp, đặc biệt trong thời điểm khó khăn về nguồn cung ứng than như hiện nay.
Hình ảnh: Kilnhood sau khi sửa chữa, cải tạo |
Về kinh tế: Việc thực hiện sửa chữa, cải tạo sớm hơn kế hoạch đã giảm được chi phí mua sắm vật tư thiết bị, trong bối cảnh giá vật tư ngày càng tăng, đặc biệt là sắt, thép (giảm khoảng 2,5 tỷ đồng cho vật tư sắt, thép). Việc thay đổi thời gian dừng lò sang tháng 3, góp phần tăng hiệu quả sản xuất các tháng tiếp theo khoảng hơn 16 tỷ đồng. Giảm 2,3 ngày dừng lò nung so với kế hoạch, làm tăng sản lượng clinker sản xuất và hiệu quả kinh doanh khoảng 1,6 tỷ đồng.
Việc tự thực hiện sửa chữa, cải tạo, xử lý nút thắt giảm được khoảng 20 tỷ đồng chi phí thuê chuyên gia nước ngoài. Tiết kiệm chi phí sửa chữa hàng năm tại tháp trao đổi nhiệt và ghi lạnh khoảng 1,5 tỷ đồng. Tăng năng suất lên trên 300 tấn clinker/ngày (tương đương tăng sản lượng 100.500 tấn clinker/năm) so với trước cải tạo, mang lại hiệu quả khoảng 8,8 tỷ đồng/năm. Giảm tiêu hao than cho sản xuất clinker 45 kcal/kg clinker, tương đương với giảm chi phí sản xuất khoảng 42 tỷ đồng/năm. Giảm tiêu hao điện cho sản xuất clinker trên 2 kWh/tấn clinker, tương đương giảm chi phí sản xuất khoảng 4,9 tỷ đồng/năm. |
Qua tính toán, thời gian thu hồi vốn khi thực hiện dự án khoảng 1,2 năm.
Ngoài ra, việc thực hiện thành công chương trình cũng mang lại hiệu quả lớn về bảo vệ môi trường. Hệ thống lò nung sau cải tạo rất phù hợp cho việc sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế, Vicem Hoàng Mai dự kiến trong thời gian tới sẽ sử dụng từ 10 đến 30% rác thải làm nhiên liệu thay thế, phấn đấu trong tương lai sẽ sử dụng trên 50% nhiên liệu thay thế cho sản xuất clinker. Giảm phát thải bụi, phát thải khí NOx, giảm tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tài nguyên không tái tạo trên một tấn sản phẩm. |
Bên cạnh những hiệu quả đã đạt, sự thành công của chương trình sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt lò nung Nhà máy xi măng Hoàng mai còn mang ý nghĩa rất lớn, đánh dấu một bước ngoặt mới cho VICEM nói chung và Vicem Hoàng Mai nói riêng, là kết quả của việc chỉ đạo quyết liệt, sự tin tưởng của lãnh đạo VICEM với đội ngũ kỹ thuật của VICEM, là sự quyết tâm, đồng lòng, nổ lực của tập thể VICEM. Đây là chương trình đầu tiên do đội ngũ cán bộ kỹ thuật VICEM phối hợp với các đơn vị trong nước nghiên cứu triển khai thực hiện mà không phải thuê, mua công nghệ và máy móc, thiết bị nước ngoài. Quá trình triển khai thực hiện đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và máy móc thiết bị, vượt tiến độ so với kế hoạch.
Đây là hướng đi đúng đắn, khẳng định hiệu quả của chủ trương đổi mới sáng tạo của VICEM xứng đáng vị thế của Tổng công ty Nhà nước với vai trò dẫn dắt thị trường, đi tiên phong trong việc làm chủ và phát triển công nghệ.
Tin Văn phòng VICEM
- VICEM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC ATVSLĐ, PCCN 3 NĂM (2020-2022) VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023
- Tổng công ty Xi măng Việt Nam sơ kết sản xuất kinh doanh Quý I.2023
- VICEM tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022
- VICEM tổ chức sơ kết công tác xây dựng Đảng và SXKD 9 tháng đầu năm 2022
-
Chuyên đề Chuỗi giá trị ngành sản xuất Xi măng P1