Ông lớn Holcim và Lafarge về một nhà: Xi măng lại tăng sức nóng
Cập nhật: 17:23 | 17/04/2018
Thương vụ sáp nhập Công ty TNHH Holcim Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Holcim (Thụy Sỹ) và Công ty TNHH Lafarge Việt Nam, thuộc Tập đoàn Lafarge (Pháp) đã nâng tổng sản lượng xi măng của LafargeHolcim Việt Nam lên hơn 6 triệu tấn, chưa kể các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng khác.
Thương vụ sáp nhập diễn ra trong bối cảnh ngành xi măng Việt Nam trong tình trạng cung vượt cầu.
Từ năm 2014, Holcim và Lafarge đã thông tin về việc sáp nhập để thành lập công ty xi măng lớn nhất thế giới. Ông Daniel Bach, Chủ tịch HĐQT Holcim Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc Holcim khu vực Đông Nam Á cho biết, do Lafarge đang hoạt động mạnh ở thị trường châu Phi và Trung Đông, trong khi địa bàn hoạt động chính của Holcim là các nước châu Mỹ La tinh và châu Á, nên khi về chung nhà, hai bên sẽ bổ sung đắc lực cho nhau.
Tại Việt Nam, Holcim là một trong những tập đoàn xi măng lớn có hoạt động đầu tư từ năm 1994. Tính đến thời điểm này, Công ty TNHH Holcim Việt Nam đã có 22 năm vào thị trường Việt Nam, với hệ thống 4 nhà máy xi măng, danh mục sản phẩm đa dạng, việc đầu tư, sản xuất - kinh doanh bài bản.
Trong khi đó, Tập đoàn Lafarge có mặt tại Việt Nam muộn hơn, từ năm 2001, khi tham gia liên doanh với một công ty bê tông trộn sẵn.
Lafarge phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam từ năm 2006, khi giới thiệu ra thị trường một loạt sản phẩm của nhà máy nghiền xi măng tại Đồng Nai, với công suất hiện tại là 500.000 tấn/năm và một mạng lưới 4 trạm trộn bê tông xung quanh TP.HCM.
Trong khuôn khổ thương vụ sáp nhập trên, từ tháng 10/2015, Công ty TNHH Lafarge Việt Nam trở thành công ty con của Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam. Quá trình sáp nhập giữa hai doanh nghiệp sản xuất xi măng này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2015.
Ông Nguyễn Công Bảo, Tổng giám đốc Holcim Việt Nam cho biết, việc sáp nhập giúp LafargeHolcim tối ưu hóa sản xuất trong bối cảnh ngành xi măng Việt Nam đang trong tình trạng cung vượt cầu, khiến các nhà sản xuất xi măng gặp nhiều khó khăn.
Sau sáp nhập, các sản phẩm của Lafarge và Holcim tại Việt Nam vẫn được giữ nguyên thương hiệu như Lavilla và Holcim Power-S. LafargeHolcim sẽ có tổng cộng 5 nhà máy, trạm nghiền xi măng (gồm Hòn Chông, Cát Lái, Hiệp Phước, Thị Vải và Nhơn Trạch) và 8 trạm trộn bê tông với công suất 5,2 triệu tấn xi măng và 1 triệu m3 bê tông mỗi năm. Cả 5 nhà máy, trạm nghiền của LafargeHolcim đều thuận tiện về mỏ đất sét, cảng biển và cảng sà lan sông…, đảm bảo ưu thế tốt nhất cho vận chuyển nội địa và xuất khẩu.
Chiến lược của công ty sau sáp nhập tại thị trường Việt Nam nói riêng và phạm vi toàn cầu nói chung là giải quyết 3 vấn đề cốt lõi được người tiêu dùng quan tâm: giá thành xây dựng rẻ hơn, thi công nhanh hơn và chất lượng công trình bền vững hơn.
Hiện tại, ngành xi măng Việt Nam phân chia thành các khu vực sản xuất gồm: khối doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam - Vicem, nắm giữ 35% thị phần); khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và liên doanh chiếm 34% thị phần; còn lại là xi măng địa phương và tư nhân.
Những năm qua, ngoài Vicem vốn sở hữu thương hiệu ổn định và có thị trường tốt, thì bộ phận doanh nghiệp FDI và liên doanh trong ngành xi măng luôn có sự bứt phá nhờ quy trình sản xuất hiện đại, quản trị tốt và hiệu quả kinh doanh ổn định, ngay cả thời điểm ngành xi măng gặp khó khăn nhất, khi nguồn cung vượt quá cầu.
Sau thương vụ sáp nhập trên, LafargeHolcim Việt Nam đã vươn lên trở thành doanh nghiệp FDI có quy mô đứng đầu. Công ty này có tiềm lực hùng mạnh hơn không chỉ về quy mô, mà cả hệ thống khách hàng tại nội địa lẫn xuất khẩu. Điều này khiến cạnh tranh giữa LafargeHolcim Việt Nam và các doanh nghiệp xi măng trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đang có thị trường tiêu thụ chủ lực tại phía Nam như Hà Tiên 1, Fico…, sẽ gia tăng. Trong đó, lợi thế với LafargeHolcim Việt Nam là đáng kể, bởi trước khi sáp nhập, Holcim và Lafarge đều lấy khu vực phía Nam làm địa bàn tiêu thụ chính, với hệ thống nhà máy lẫn khách hàng gần như đã được định vị vững chắc.
Đạt VQ
Báo đầu tư
-
Chuyên đề Chuỗi giá trị ngành sản xuất Xi măng P1