Tel: ( +84.24)38.512425 - Fax: ( +84.24) 38.512778

Tổ công tác của Bộ Xây dựng làm việc với Tổng công ty Xi măng Việt Nam

Cập nhật: 11:33 | 13/12/2021

Ngày 09/12/2021 Tổ công tác của Bộ Xây dựng theo Quyết định số 1105/QĐ-BXD do Thứ trưởng Bùi Hồng Minh dẫn đầu có buổi làm việc với Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM).  

Tham dự buổi làm việc về phía Bộ Xây dựng có đồng chí Bùi Hồng Minh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cùng đại diện các Vụ Tổ chức, Kế hoạch Tài chính, Quản lý doanh nghiệp, Thanh tra Bộ Xây dựng.

to cong tac cua bo xay dung lam viec voi tong cong ty xi mang viet nam
Đ/c Bùi Hồng Minh-Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với VICEM

Về phía Tổng công ty Xi măng Việt Nam có các đồng chí Phạm Văn Nhận - Phụ trách Hội đồng Thành viên, Lê Nam Khánh-Tổng giám đốc, Trưởng ban Kiểm soát, Trưởng phòng/ban VICEM.

Thay mặt Hội đồng thành viên VICEM đồng chí Phạm Văn Nhận đã báo cáo với Tổ công tác về tình hình sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhu cầu xi măng giảm, chi phí logistics tăng. Thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do “cung” vượt “cầu”. Giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao so với đầu năm 2021 như: Than tăng (than nhập khẩu tăng gần 200%), thạch cao tăng 37%... Xuất khẩu xi măng, clinker gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19, tình trạng phong tỏa, kiểm dịch tại nhiều cảng biển Philippines, Trung Quốc; cước tàu biển ở mức cao.

Trước tình hình đó, VICEM đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, các chương trình tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, chi phí quản lý... Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, ước sản lượng sản xuất clinker năm 2021 toàn VICEM đạt 21,547 triệu tấn, bằng 98,3% kế hoạch năm 2021 và bằng 99,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ước sản lượng sản xuất xi măng là 23,886 triệu tấn, đạt 90,6% kế hoạch năm 2021 và bằng 97,8% so với thực hiện năm 2020. Ước tổng sản phẩm tiêu thụ (xi măng, clinker) năm 2021 là 29,245 triệu tấn, đạt 95,3% kế hoạch năm 2021, bằng 99,7% so với thực hiện năm 2020. Ước tổng doanh thu cả năm đạt 33.638 tỷ đồng, bằng 94,7% kế hoạch năm 2021, đạt 99,6% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế là 2.011 tỷ đồng, bằng 96,8% so với năm 2020.

to cong tac cua bo xay dung lam viec voi tong cong ty xi mang viet nam
Đ/c Phạm Văn Nhận - Phụ trách Hội đồng Thành viên VICEM báo cáo với Tổ công tác của Bộ Xây dựng

Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2017 – 2025: VICEM tập trung triển khai thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, mô hình tổ chức, sắp xếp, đổi mới các đơn vị thành viên theo Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2017-2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt. VICEM đã thoái vốn các đơn vị theo Đề án, tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, đã từng bước tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh của VICEM theo hướng phát huy thế mạnh, lợi thế của từng đơn vị và hiệu quả chung của VICEM, dần hình thành các đơn vị sản xuất xi măng quy mô đủ lớn, trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh thương hiệu xi măng VICEM trong khu vực. Công tác nghiên cứu phát triển, tìm kiếm giải pháp tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường được quan tâm, dần hình thành chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xi măng.

Trong công tác cổ phần hoá, hiện nay, vấn đề vướng mắc lớn nhất liên quan đến việc phê duyệt phương án sắp xếp xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa. Do thủ tục về đất đai phụ thuộc vào quy trình và thời gian xử lý hồ sơ của các địa phương, Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền nên VICEM không chủ động được về thời gian hoàn thành.

Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh cho biết: VICEM Hoàng Thạch, Hải Phòng, Tam Điệp đã làm việc với các địa phương để bàn giao tài sản không cần dùng về địa phương quản lý. Các địa phương có văn bản đồng ý tiếp nhận tài sản, nhưng do chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục cũng như quy định cụ thể việc ghi giảm vốn, tài sản của doanh nghiệp đã đầu tư sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển giao nhà, đất về địa phương…nên việc chuyển giao bị vướng, đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Thời gian qua, VICEM đã triển khai thành lập Tổ rà soát, cập nhật, điều chỉnh nội dung Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2018 - 2025 và nghiên cứu, xây dựng Đề án tái cơ VICEM giai đoạn 2021 – 2025. Sau khi hoàn thành, VICEM sẽ báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, VICEM rà soát, xây dựng và trình Bộ Xây dựng xem xét, phê duyệt Phương án điều chỉnh và xác định vốn điều lệ của công ty mẹ VICEM.

VICEM kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để tăng cường sử dụng tro, xỉ nhiệt điện, rác thải, bùn thải trong sản xuất xi măng. Hỗ trợ các Công ty thành viên sản xuất xi măng của VICEM trong việc xin cấp giấy phép khai thác các mỏ nguyên liệu (đá vôi, đá sét).

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc Thứ trưởng Bùi Hồng Minh đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên và người lao động toàn VICEM: Trong bối cảnh dịch Covid -19, nhiều doanh nghiệp khó khăn, nhưng VICEM vẫn bám sát mục tiêu, giữ được nhịp (tăng trưởng), phấn đấu đạt mục tiêu, ổn định đời sống cán bộ, công nhân viên, người lao động; nội bộ thống nhất; xây dựng VICEM phát triển bền vững. VICEM đã có đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung và ngành Vật liệu xây dựng nói riêng, thời gian tới, VICEM cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa.

Thứ trưởng lưu ý: Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa VICEM tiếp tục giữ vững vị trí “con chim đầu đàn”, dẫn dắt ngành Xi măng Việt Nam, VICEM cần tập trung xây dựng và thực hiện đề án tái cấu trúc và kế hoạch 5 năm. Trong đề án tái cấu trúc, VICEM tiếp tục lấy sản xuất kinh doanh xi măng làm cốt lõi, không đầu tư ngoài ngành; cần tập trung quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phát triển khoa học công nghệ, đầu tư chiều sâu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong xây dựng kế hoạch 5 năm, cần lưu ý lựa chọn tỷ lệ vốn Nhà nước từ 51% đến 65%, từ đó, xây dựng 2-3 kịch bản khác nhau. Tiếp tục rà soát lại đề án tái cấu trúc, nâng cao năng lực. Bộ Xây dựng đồng ý cho VICEM tăng vốn điều lệ nhưng cần xây dựng rõ phương án. Những tồn tại về thể chế, đề nghị VICEM lưu ý đến thẩm quyền đề xuất. Bộ Xây dựng sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Tin Văn phòng VICEM