Về tay chủ ngoại SCG, xi măng Sông Gianh có cơ đổi vận
Cập nhật: 17:11 | 17/04/2018
Sau một thời gian chính thức sở hữu Xi măng Sông Gianh, Tập đoàn SCG Thái Lan phối hợp với Công ty TNHH Thành Hưng, nhà phân phối chính thức xi măng Sông Gianh tại Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị tri ân khách hàng năm 2017.
Tập đoàn SCG đã có chiến lược để đưa Xi măng Sông Gianh phát triển mạnh tại khu vực miền Trung.
Sau hơn 3 tháng sở hữu Xi măng Sông Gianh thông qua hình thức mua lại từ các cổ đông của Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM), Tập đoàn SCG Thái Lan đã phối hợp với Công ty TNHH Thành Hưng, nhà phân phối chính thức xi măng Sông Gianh tại Quảng Trị tổ chức Hội nghị tri ân khách hàng năm 2017.
Quảng Trị là một trong những thị trường trọng yếu của xi măng Sông Gianh, thông qua nhà phân phối chính thức là Công ty TNHH Thành Hưng. Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị có hơn 100 đại lý phân phối sản phẩm, mỗi năm cung ứng gần 200.000 tấn xi măng Sông Gianh, chiếm hơn 30% thị phần trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tiếp tục đưa Xi măng Sông Gianh phát triển lớn mạnh hơn nữa trên thị trường miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng, đại diện Tập đoàn SCG cho biết, Xi măng Sông Gianh đã và đang thực hiện chiến lược kinh doanh mới của mình, trong đó đặc biệt hướng tới nâng cao chất lượng, đẩy mạnh hoạt động marketing, thực hiện nhiều chính sách ưu việt đối với khách hàng, nhất là khách hàng đại lý và nhà phân phối.
Trước đó, Công ty TNHH SCG Xi măng – Vật liệu xây dựng, công ty thành viên của Tập đoàn SCG đã thực hiện việc mua lại 100% vốn cổ phần (tương đương 156 triệu USD) từ các cổ đông VCM tại Xi măng Sông Gianh. Giá trị giao dịch này và khoảng 440 triệu USD, bao gồm nợ ròng và chi phí đầu tư cải tiến hiệu quả đối với tài sản mua lại.
Với năng suất hiện nay của nhà máy ở 3,1 triệu tấn, SCG cho biết có nhiều tiềm năng để nâng công suất lên. Theo đánh giá của SCG, dự án có tiềm năng hoạt động với hiệu quả tối ưu hơn, giúp cải thiện tổng công suất nhà máy.
Đặc biệt, miền Trung có đặc điểm nổi bật với sự cân bằng cả cung và cầu trong lĩnh vực xi măng.
Sau thương vụ này, tổng công suất xi măng của tập đoàn SCG tại các nhà máy thuộc khu vực châu Á đã tăng lên 10,5 triệu tấn/năm, chưa kể công suất sản xuất tại Thái Lan là 23 triệu tấn.
SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động đa ngành, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là Xi măng - Vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials), Hóa dầu (SCG Chemicals), và Bao bì (SCG Packaging). SCG hiện có hơn 200 công ty con cùng hơn 52.500 nhân viên.
SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992 và liên tiếp mở rộng đầu tư đa ngành, bao gồm các lĩnh vực Xi măng – Vật liệu xây dựng, Hóa dầu và Bao bì.
Những thương vụ thâu tóm nổi bật của Tập đoàn SCG tại Việt Nam có thể kể đến như việc mua lại cổ phần của
Prime Group, mua lại Xi măng Bửu Long (Đồng Nai)...
Đạt VQ
-
Chuyên đề Chuỗi giá trị ngành sản xuất Xi măng P1