Năm thứ 2 liên tiếp ngành xi măng tiêu thụ vượt mốc 100 triệu tấn
Cập nhật: 10:20 | 03/03/2022
Kết thúc năm 2021, mặc dù tiêu thụ xi măng trong nước giảm khoảng 5% so với năm 2020 nhưng ngành xi măng lập kỷ lục tiêu thụ 105,6 triệu tấn sản phẩm. Đây cũng là năm thứ 2 ngành này tiêu thụ vượt mốc 100 triệu tấn. Kết quả xuất khẩu tăng vượt mong đợi đã “cứu” ngành xi măng thoát khỏi cảnh sụt giảm, đạt tăng trưởng 2%.
Hiện cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất 107 triệu tấn. Việt Nam đang đứng thứ 5 Thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga). Sản lượng sản xuất của Việt Nam gần như liên tục tăng qua các năm, trong đó năm 2000 là 13,3 triệu tấn đến năm 2020 là 109 triệu tấn, riêng năm 2021 giảm còn 101,2 triệu tấn. Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhu cầu đầu tư xây dựng, kéo theo tiêu thụ ở trong nước bị giảm, làm cho chênh lệch giữa năng lực sản xuất với sản xuất tăng.
Thống kê tiêu thụ từ 2016 - 2021 |
Về tiêu thụ trong nước, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), trước khi xuất hiện dịch Covid-19, lượng tiêu thụ đã tăng liên tục qua các năm, từ 55,68 triệu tấn năm 2015 tăng lên gần 65 triệu tấn vào năm 2019. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tiêu thụ trong nước từ năm 2020 đã bị giảm còn 62,12 triệu tấn. Năm 2021 giảm còn ở mức ít hơn chỉ xấp xỉ 60 triệu tấn, do đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư phát triển. Năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chỉ tăng 3,2%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng không đáng kể, đối với vốn đầu tư, nếu loại trừ yếu tố giá vật liệu xây dựng còn tăng cao hơn, thì lượng vốn đầu tư thực tế còn bị giảm. Trong đó, vốn đầu tư của khu vực Nhà nước bị giảm 2,9% (riêng vốn thuộc ngân sách giảm 8,6%, vốn trái phiếu chính phủ giảm 44,7%) cũng tác động không nhỏ đến lượng tiêu thụ của xi măng.
Xuất khẩu từ 2015 đến 2021 |
Sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu cả năm 2021 đạt hơn 45 triệu tấn, trị giá gần 1,8 tỷ USD, giá xuất khẩu trung bình khoảng 39 USD/tấn. Trong đó, xuất khẩu clinker chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với xi măng. Trước đó, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 38 triệu tấn xi măng và clinker, thu về 1,46 tỷ USD. Trước đây, tiêu thụ xi măng nội địa và xuất khẩu luôn có khoảng cách lớn, với tỷ lệ lần lượt là 70 - 30% tổng mức tiêu thụ, nhưng những năm gần đây, khoảng cách này đã dần rút ngắn lại. Năm 2021, tỷ lệ này là 58 - 42%. Có thể thấy, thị trường nội địa vốn là khu vực tiêu thụ chính của ngành xi măng đang chững lại, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu lại tăng rất mạnh, nhất là từ các thị trường Trung Quốc, Bangladesh... Năm 2021, xuất khẩu xi măng, clinker đạt con số kỷ lục, do hoạt động xây dựng trong nước tăng trưởng thấp vì ảnh hưởng của đại dịch và nhiều yếu tố khác, dẫn đến sản lượng tiêu thụ bị hạn chế. Những năm trước, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng đạt 7 - 12%/năm, nhưng năm 2021, xây dựng giảm, nên tiêu thụ xi măng, clinker trong nước giảm sút. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất phải đẩy mạnh tìm thị trường xuất khẩu để duy trì công suất sản xuất xi măng.
Nguồn: ximang.vn
- Tổng công ty Xi măng Việt Nam sơ kết sản xuất kinh doanh Quý I.2023
- VICEM tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022
- VICEM tổ chức sơ kết công tác xây dựng Đảng và SXKD 9 tháng đầu năm 2022
- Đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng: Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước
-
Chuyên đề Chuỗi giá trị ngành sản xuất Xi măng P1