Thực hiện tái cơ cấu tạo nhiều chuyển biến tích cực, Vicem đạt lợi nhuận gần 3.200 tỷ đồng
Cập nhật: 10:28 | 02/07/2020
Trước thông tin cho rằng, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và các đơn vị thành viên lâm vào tình trạng “lỗ chồng lỗ”, không đảm bảo khả năng thanh toán, mất gần hết vốn tại nhiều dự án; tuy nhiên trên thực tế, hoạt động của Vicem trong giai đoạn hiện nay có nhiều khởi sắc, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 12-NQ/TW của Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, cũng như bám sát đề án tái cơ cấu ngành đã được Bộ Xây dựng phê duyệt. Trong năm 2019, Tổng Công ty đạt lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay là khoảng 3.200 tỷ đồng.
Chặng đường xây dựng và phát triển của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) ghi dấu bản lĩnh, khát vọng và dấu ấn đáng tự hào nhưng cũng có những “nốt trầm” ở một số giai đoạn lịch sử.
Sự việc ông Trần Việt Thắng thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc Vicem vào tháng 9/2017 và sau này Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật vì để xảy ra vi phạm, khuyết điểm làm thiệt hại đối với lợi ích doanh nghiệp, gây dư luận xấu, làm tổn hại đến uy tín của tổ chức đảng và Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến tâm tư cán bộ công nhân viên và người lao động.
Đây cũng là giai đoạn Vicem đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tư tưởng cán bộ, công nhân viên dao động; cơ quan công an đang vào cuộc xem xét các vấn đề liên quan đến việc mua bán tập trung, công tác đầu tư, mua sắm do có đơn tố cáo. Sản xuất, kinh doanh gặp khó, hàng tồn kho ở mức cao.
Đến tháng 9/2017, Bộ Xây dựng bổ nhiệm ông Bùi Hồng Minh - Phó Tổng Giám đốc Vicem thay cho ông Trần Việt Thắng.
Sau khi có lãnh đạo mới, tư tưởng của cán bộ, công nhân viên Vicem dần được ổn định, tình hình hàng tồn kho cơ bản được giải quyết. Thế nhưng, chính thời điểm này, Tổng Công ty dần bộc lộ những tồn tại do những yếu kém trong quản lý, hoạt động từ trước đó.
Trước năm 2010, Vicem có một số dự án mới đi vào hoạt động. Đây là thời kỳ, Tổng công ty phải trả nợ lớn vì đầu tư xây dựng mới. Đến năm 2016-2017, Vicem vẫn trong chu kỳ trả nợ (giai đoạn 10 năm). Bên cạnh đó, Tổng Công ty có tham gia đầu tư một số lĩnh vực khác, trong đó có những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành hoặc không thuộc chuyên môn của Tổng Công ty, ví dụ như: bất động sản, gạch không nung Đông Hồi, cao su…
Trong giai đoạn 2014-2015, lãnh đạo Tổng Công ty nhận thấy, việc đầu tư ngoài ngành gặp khó khăn và đã tính đến việc hoãn, giãn các dự án đầu tư. Các dự án phần nhiều nằm trong kế hoạch phát triển của Vicem nhưng chỉ dừng lại ở giai đoạn thiết kế trên giấy hoặc xin chủ trương, thủ tục đầu tư. Số tiền mà Tổng công ty bỏ ra đối với các dự án này là không nhiều.
Bên cạnh đó, là Tổng Công ty nhà nước hạng đặc biệt, Vicem phải tiếp nhận một số các nhà máy xi măng thuộc các địa phương đầu tư hay do các công ty nhà nước khác đầu tư nhưng không đúng chuyên ngành, không đủ quy mô, khả năng cạnh trạnh yếu, đang gặp nhiều khó khăn và lỗ lớn.
Cụ thể là các nhà máy Xi măng Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An), Xi măng Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), Xi măng Hạ Long (từ Tổng Công ty Sông Đà - PVN) và Xi măng Sông Thao (từ Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị). Tuy nhiên, sau khi về Vicem, các đơn vị này chưa phát huy được hiệu quả hoạt động do quy mô nhỏ, thị trường và thương hiệu không phát triển được, cơ cấu tài chính bất hợp lý.
Theo ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vicem, từ năm 2018, thực hiện đề án, phương án tái cơ cấu Tổng Công ty gắn với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong đó xác định vấn đề tái cấu trúc là cốt lõi để Tổng Công ty phát triển - Đây chính là giai đoạn Vicem được “cởi trói” về cơ chế, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ để vươn lên trở thành doanh nghiệp có khả năng cạnh trạnh quốc tế và khu vực.
Theo đó, Vicem là doanh nghiệp nhà nước - Công ty mẹ, có vai trò “đầu tàu”, “trụ cột” dẫn dắt ngành xi măng Việt Nam phát triển theo định hướng của Nhà nước; hoạt động với chức năng chính là đầu tư tài chính, nắm giữ cổ phần chi phối tại các đơn vị thành viên; góp vốn tại các công ty xi măng liên doanh, liên kết nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Các công ty sản xuất xi măng là các trung tâm tạo giá trị trong chuỗi giá trị của ngành xi măng từ khâu cung ứng, sản xuất đến lưu thông phân phối theo chiến lược của công ty mẹ.
Vicem cũng sẽ tiến hành thoái vốn các công ty không nằm trong chuỗi giá trị hoặc không tạo các giá trị gia tăng lớn như: cao su, vỏ bao, vận tải… Tất cả các dịch vụ, bắt đầu từ khâu lưu thông, tấn xi măng từ nhà máy trở ra đến xã hội là do các thành phần kinh tế khác làm, bao gồm kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, công ty cổ phần… thực hiện.
Việc cơ cấu lại và sáp nhập thương hiệu của Vicem đã tận dụng sức mạnh thương hiệu, hệ thống phân phối, không tạo áp lực cạnh trạnh nội bộ, tối ưu hóa các chi phí trong khâu lưu thông, để tăng hiệu quả cho doanh nghiệp và giảm lãng phí cho xã hội. |
Thực hiện cơ cấu lại và sáp nhập thương hiệu yếu vào thương hiệu mạnh như: sáp nhập xi măng sông Thao vào xi măng Hải Phòng thành thương hiệu “Vicem Hải Phòng”, xi măng Hải Vân vào xi măng Hoàng Thạch thành thương hiệu “Vicem Hoàng Thạch”, xi măng Tam Điệp vào xi măng Bỉm Sơn thành thương hiệu “Vicem Bỉm Sơm”. Việc sáp nhập nêu trên để tận dụng sức mạnh thương hiệu, hệ thống phân phối, không tạo áp lực cạnh trạnh nội bộ, tối ưu hóa các chi phí trong khâu lưu thông, để tăng hiệu quả cho doanh nghiệp và giảm lãng phí cho xã hội. Hình thành nên các công ty đủ lớn về quy mô trong một nền kinh tế cạnh trạnh khốc liệt do cung vượt cầu, nếu không làm được việc này sẽ không tạo ra các lợi thế vượt trội, không dẫn dắt được thị trường.
Ngoài ra, theo đề án tái cấu trúc Vicem, Tổng Công ty sẽ dẫn dắt các đơn vị thành viên tạo ra các chuỗi giá trị mới dựa vào kinh tế tuần hoàn, tức là dựa vào khoa học - công nghệ để thay thế một phần nguyên liệu, nhiên liệu hóa thạch bằng các chất thải, phế thải, rác thải các ngành công nghiệp khác, tiến tới xử lý rác thải sinh hoạt; thay thế một phần nhiên liệu đốt của than và một phần nguyên liệu không tái tạo đối với tài nguyên đất sét, đá vôi để tạo ra giá trị mới.
Vicem đã triển khai các công việc thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ, thực hiện chương trình thử nghiệm về rác thải, bùn thải, các chất thải của ngành công nghiệp theo đề án trình Chính phủ. |
Các nhà máy sản xuất xi măng của Vicem phải tự mình làm giảm tác động môi trường, giảm nồng độ bụi, giảm nồng độ khí thải, giảm tuần hoàn, hướng tới ngành công nghiệp xanh, không phát thải, góp phần giải quyết vấn đề chất thải, phế thải ngành công nghiệp khác và của đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân từ bùn thải sông hồ, chất thải ngành nhiệt điện, chất thải hóa chất, chất thải làng nghề ô nhiễm, khu công nghiệp. Đồng thời nghiên cứu xử lý rác sinh hoạt thay thế một phần nhiên liệu đốt.
Bước đầu đã thành công tại Xi măng Hà Tiên (Bình Phước), Xi măng Bút Sơn (Hà Nam) và triển khai tiếp tục ở một số đơn vị khác, vừa làm giảm giá thành sản xuất từ 1,5-2,5 USD/tấn sản phẩm, vừa góp phần giảm tác động đến môi trường, làm sạch môi trường.
Bởi lẽ, lò xi măng hoạt động nhiệt độ từ 1.000 - 1.500 độ C, do đó khi đốt rác thải không tạo ra dioxin, giảm chất thải RX, CO2. Tro của rác thải được sử dụng làm một phần nguyên liệu sản xuất xi măng.
Bằng việc triển khai, thực hiện khoa học - kỹ thuật, áp dụng hệ thống CNTT, ứng dụng cách mạng 4.0 trong sản xuất, trong quản lý và trong lưu thông hàng hóa, Vicem đã làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại, tăng hiệu quả kinh doanh, kiểm soát tốt vận tải để giảm chi phí xã hội, tiết kiệm chi phí vận tải, tối ưu hóa chuỗi logictics, tạo lợi ích cho hệ thống phân phối, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Vicem cùng Tập đoàn FLSmidth (Đan Mạch) ra Tuyên bố Hà Nội về phát minh thế hệ công nghệ mới ngành xi măng. |
Để hướng tới các mục tiêu về công nghệ, tháng 2/2020, Vicem cùng Tập đoàn FLSmidth (Đan Mạch) ra tuyên bố chung - Tuyên bố Hà Nội về phát minh thế hệ công nghệ mới ngành xi măng “Zero emission - natural cycle” (Không phát thải - tuần hoàn tự nhiên).
Mục tiêu của việc hợp tác là để triển khai các công nghệ giúp giảm triệt để khí thải nhà kính, phát minh giải pháp sử dụng nhiên liệu thay thế và cải thiện chất lượng không khí.
Sau quá trình nghiên cứu độc lập và hợp tác, Vicem và FLSmidth thống nhất cùng nghiên cứu, phát kiến, phát minh công nghệ sản xuất xi măng thế hệ mới làm thay đổi căn bản công nghệ hiện nay. Đó là công nghệ không phát thải - tuần hoàn tự nhiên. Trong đó, các mục tiêu, sứ mệnh trọng yếu hướng tới là không phát thải các khí thải có ảnh hưởng đến môi trường và luân chuyển, tuần hoàn khí theo quy luật của tự nhiên, quy luật của môi trường sống.
Cùng đó, giảm tối đa việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất clinker và xi măng như đá vôi, đất sét, silic, quặng sắt và thay thế bằng các nguyên liệu lấy từ các chất thải của các ngành kinh tế khác, cùng các chất thải trong hoạt động hàng ngày của xã hội như rác thải, bùn thải, tro xỉ, phế thải vật liệu xây dựng, tất cả tro thải sau quá trình đốt, các chất thải khác có các vật chất tương tự.
Theo đó, thay thế nhiên liệu đốt từ than, dầu bằng việc đốt rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, các vật chất thải có khả năng sinh nhiệt mà con người đang thải ra hàng ngày, góp phần làm sạch môi trường và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nói về việc xử lý các tồn tại khi đầu tư các dự án bất động sản - đầu tư ngoài ngành từ trước năm 2017, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vicem đánh giá: Vicem sẽ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, cũng như Quyết định 868/QĐ-BXD ngày 22/10/2019 phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Xi măng Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025.
Để làm được điều này, Vicem sẽ không tham gia đầu tư ngoài ngành, đầu tư không đúng chuyên ngành, điều chỉnh lại các dự án cho phù hợp với định hướng phát triển, tập trung chính các trung tâm giá trị là các nhà máy xi măng.
Đối với dự án tại lô đất 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Mễ Trì (quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Vicem đề xuất thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án” theo Nghị định 91 của Chính phủ. Đề xuất này đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng Tổng Công ty đang hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.
“Dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.700 tỷ đồng. Đến năm 2015, Vicem nhận thấy đầu tư kinh doanh bất động sản không thực hiện ngành nghề của mình. Lúc lập dự án thị trường là 40 USD/m2. Nhưng hiện tại chỉ còn hơn khoảng hơn 20 USD. Năm 2016, chúng tôi đã đề nghị chuyển nhượng theo đúng trình tự của pháp luật”, ông Buì Hồng Minh cho biết.
“Từ lúc chủ trương cho chuyển nhượng đến nay đã 4 năm vẫn còn vướng thủ tục, vẫn chưa xong. Lúc đầu chúng tôi tính để lại để sử dụng và đầu tư, nhưng sau khi xem xét hiệu quả kinh tế, xem xét lại ngành nghề thì thấy nếu cứ để thì việc kinh doanh bất động sản này sẽ không hiệu quả và cũng “không quen" nên tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển nhượng dự án”, ông Minh chia sẻ thêm.
Về khu đất ở Đông Hồi, ông Minh cho biết, trước đây Vicem định đầu tư gạch không nung. Đến năm 2014 khi thị trường đi xuống, Vicem quyết định không đầu tư nữa.
Doanh nghiệp xin nhận chuyển nhượng khu đất này chính là Xi măng Hoàng Mai. Tuy nhiên hiện vẫn còn đang hoàn thiện trình tự thủ tục pháp luật.
Tương tự với khu đất 122 Vĩnh Tuy, Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Vicem Bùi Hồng Minh cho biết: Cách đây 10 năm, Tổng công ty định xây dựng trung tâm thực nghiệm nhưng đến bây giờ xem lại tổng mức đầu tư dự kiến quá lớn. “Mong muốn Vicem có trung tâm thực nghiệm như châu Âu là rất khó”, ông Minh cho hay.
Nhìn chung đối với các khu đất nêu trên, lãnh đạo Vicem cho rằng sau khi rà soát lại đều nhận định việc tiếp tục đầu tư là không hiệu quả.
“Nếu đánh giá không hiệu quả vẫn làm thì là có “tội”. Thị trường liên tục thay đổi, chúng tôi muốn chuyển nhượng để thu hồi tài sản nhà nước. Chắc chắn bảo toàn vốn, không bảo toàn thì không dám bán. Vấn đề này phải điều chỉnh để thu hồi vốn cho nhà nước theo trình tự pháp luật, không thể nóng vội được”, ông Minh nói.
Nhìn nhận về thành công ban đầu của “cuộc cách mạng” tái cơ cấu Vicem, ông Bùi Hồng Minh đánh giá, trước đây, các nhà máy chuyển từ tỉnh và tổng công ty nhà nước khác về Vicem, đặc biệt Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao ở trong tình trạng thua lỗ triền miên nhiều năm. Khi Tổng Công ty tiếp nhận đã làm được 3 việc, đó là tái cấu trúc về quản trị doanh nghiệp, sử dụng sức mạnh về thị trường, về thương hiệu và tận dụng các tri thức về kỹ thuật sản xuất, công nghệ, giải pháp về tài chính.
“|Đến nay, các công ty đã thoát khỏi tình trạng lỗ chuyển sang có lãi. Trước đây, các công ty không trả được nợ hiện giờ đã đủ dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân hàng, các tổ chức tài chính, thực hiện việc trả nợ cho Chính phủ mà đại diện là Bộ Tài chính. Đây là các tình huống tái cấu trúc thành công, thể hiện hiệu quả doanh nghiệp trong hoạt động. Tuy nhiên, do số lỗ lũy kế lớn nên việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đòi hỏi phải có thời gian, không thể diễn trong ngày một, ngày hai mà làm được” - ông Bùi Hồng Minh phân tích.
Sau khi được Vicem tiếp nhận, hoạt động sản xuất - kinh doanh xi măng Hạ Long đã có chuyển biến tích cực, cắt được lỗ chuyển sang trang thái có lãi. |
Việc lỗ, lãi trước đây của xi măng Tam Điệp, Hạ Long, Sông Thao là do các địa phương, tổng công ty khác quản lý, Vicem không thể quản được. Còn số lỗ lũy là số liệu trên sổ sách buộc phải từng bước để giải quyết các tồn tại, Tổng Công ty không thể bỏ tiền để bù lỗ được mà các đơn vị phải tự đứng trên đôi chân của mình dưới sự điều hành của Tổng Công ty.
“Phải nói thêm rằng, rất đáng vui mừng, phấn khởi là các công ty xi măng trên đã cắt được lỗ và làm ăn có lãi. Dưới sự điều hành và bảo toàn vốn của Vicem, có thể nói vui rằng, các nhà máy này đã chuyển từ trạng thái “chết lâm sàng” sang trạng thái sống. Đến nay, có thể nhận định rằng, đa số thành viên của Tổng Công ty sẽ sạch các khoản nợ dài hạn vào năm 2021. Riêng Xi măng Hạ Long do mới tiếp nhận, Tổng Công ty dự kiến vào năm 2023 sẽ cơ bản trả hết các loại nợ dài hạn và nợ đầu tư” - Ông Minh nói.
Đứng trước bối cảnh chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Xây dựng về tái cấu trúc doanh nghiệp, Vicem đang phải giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn là các tồn tại trong quá khứ. Thứ hai là việc quản lý, điều hành của Tổng Công ty trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Thứ ba là định hướng cho sự phát triển của Tổng Công ty trong tương lại.
Để giải quyết vấn đề này, Tổng công ty đã định dạng rõ hướng đi của mình đối với sự phát triển của ngành, về vị trí, vai trò, lộ trình, kế hoạch chi tiết và đã có những việc Tổng Công ty hoàn thành kế hoạch vượt mốc thời gian trong Đề án Tái cấu trúc.
Kết thúc năm tài chính 2019, Vicem có lợi nhuận tổng hợp cao nhất từ trước đến nay, lên đến gần 3.200 tỷ với số dư tiền mặt là 1.800 tỷ. Tỷ số lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 16,91%. Do đó, hoàn toàn không có chuyện Vicem lâm vào tình trạng “lỗ chồng lỗ”, không đảm bảo khả năng thanh toán, mất gần hết vốn tại nhiều dự án.
Nguồn: Tạp chí Mặt trận
- VICEM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC ATVSLĐ, PCCN 3 NĂM (2020-2022) VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023
- Tổng công ty Xi măng Việt Nam sơ kết sản xuất kinh doanh Quý I.2023
- VICEM tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022
- VICEM tổ chức sơ kết công tác xây dựng Đảng và SXKD 9 tháng đầu năm 2022
-
Chuyên đề Chuỗi giá trị ngành sản xuất Xi măng P1