Tel: ( +84.24)38.512425 - Fax: ( +84.24) 38.512778

Tối ưu hoá sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh

Cập nhật: 13:31 | 01/07/2019

Năm 2019, VICEM đặt mục tiêu doanh thu 40.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 31 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2018.  

Theo Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), ước tính kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 đã cho thấy những con số khá khả quan. Sản xuất clinker đạt: 10.306.000 tấn, bằng 102,5% so với cùng kỳ; Sản xuất xi măng đạt 12.932.000 tấn, bằng 112% so với cùng kỳ; Sản phẩm tiêu thụ chính đạt 14.984.000 tấn, bằng 105% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần đạt 17.640 tỷ đồng, bằng 104,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.657 tỷ đồng, bằng 162,3% so với cùng kỳ.

toi uu hoa san xuat de tang nang luc canh tranh
Phòng vận hành trung tâm Công ty Xi măng VICEM Hạ Long

Theo ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam, thực tế xuất khẩu xi măng Việt Nam trong 2 năm qua cho thấy, cái cần quan tâm nhất hiện nay đối với ngành sản xuất xi măng Việt Nam là sức cạnh tranh. Hiện Việt Nam có nhiều dây chuyền xi măng công suất nhỏ (chiếm 22% sản lượng), công nghệ lạc hậu, chất lượng thấp dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu. Điều này đặt ra yêu cầu phải có sự thay đổi cơ bản trong thời gian tới. Bởi nếu không, ngành xi măng sẽ thua ngay trên sân nhà.

Nhận thức được thực trạng cũng như tầm quan trọng của sự đổi mới, cải cách, thời gian gần đây, VICEM đã không ngừng tập trung nguồn lực để tìm ra các giải pháp cải thiện tình hình. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2019, VICEM và các đơn vị thành viên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động. VICEM đã hoàn thành 2 đề án: Chiến lược phát triển ngành xi măng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề án tái cấu trúc VICEM giai đoạn 2019 – 2025; Hoàn thành cơ bản việc kiểm toán xác định giá trị DN phục vụ cho tiến trình cổ phần hoá VICEM theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng; Thực hiện giải trình về việc đề xuất Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại VICEM từ trên 51 – 65% vốn điều lệ, để VICEM vẫn là trụ cột, định hướng phát triển ngành xi măng Việt Nam, thực hiện vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, VICEM đã tập trung nguồn lực để tái cấu trúc toàn diện theo NQ TW5 của Chính phủ, triển khai đề xuất và đang thực hiện thoái vốn khỏi lĩnh vực không thuộc ngành nghề chủ chốt như: Toà nhà VICEM; dừng và không đầu tư thêm vốn vào các dự án không có hiệu quả như dự án Nhà máy vật liệu không nung, cảng Đông Hồi, Trung tâm thực nghiệm 122 Vĩnh Tuy.

Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu và triển khai đầu tư các dự án theo hướng hiệu quả, phù hợp với quy mô, chiến lược của VICEM trong tình hình mới, các dự án đầu tư mở rộng tăng năng lực nghiền xi măng nhằm tăng sản lượng, doanh thu trên nguyên tắc tập trung vào các thương hiệu mạnh, có khả năng gia tăng sản lượng tiêu thụ và thị phần, giảm chi phí trong sản xuất và chi phí logistics; Rà soát, điều chỉnh chiến lược thị trường, phát huy tối đa các thương hiệu mạnh, tối ưu hoá chuỗi phân phối trong lưu thông; Thực hiện đổi mới công tác quản trị, thắt chặt quản lý để tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, giảm giá thành sản phẩm; Nghiên cứu để sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất xi măng, góp phần giải quyết phế thải của ngành công nghiệp khác, bảo vệ tài nguyên môi trường.

Nói về định hướng và nguyên tắc hoạt động kinh doanh của VICEM, Tổng giám đốc Bùi Hồng Minh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các yếu tố cơ bản. Đó là tối ưu hóa dây chuyền công nghệ hiện đại của các nhà máy, giảm giá thành sản xuất dù giá điện than đang tăng. Tiếp tục triển khai định hướng chiến lược tái cấu trúc toàn diện để xây dựng VICEM trở thành một tổng công ty có tiềm lực kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, có quy mô đủ lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế, đủ sức lan toả, dẫn dắt ngành xi măng phát triển theo đúng các mục tiêu chiến lược phát triển ngành xi măng được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tập trung vào ngành nghề chủ chốt, tối ưu hoá sản xuất hiện tại để tăng thêm năng lực sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo khả năng cạnh tranh.

Đối với khu vực nhà máy công suất nhỏ, kể cả có công suất lớn nhưng đã lâu thì bắt buộc phải đầu tư công nghệ, đổi mới theo hướng thân thiện môi trường, tăng năng suất lao động.

VICEM cũng tiếp tục phát huy các thương hiệu mạnh, giảm hoặc bỏ các thương hiệu yếu, tối ưu hóa logistics, tiếp tục cân đối, phân bổ năng lực sản xuất và thị trường để điều chuyển clinker, xi măng từ miền Bắc đi miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam; Thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường như hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải, kiểm soát online các chỉ tiêu về môi trường, thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững trong toàn VICEM; khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Hoàn thành đề án công nghệ thông tin và ứng dụng thành tựu cuộc CMCN 4.0 trong các dây chuyền sản xuất của VICEM, trên các lĩnh vực: Quản lý, lưu thông và phân phối, quy trình sản xuất.

Năm 2019, VICEM đặt mục tiêu doanh thu 40.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 31 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2018.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng