Tel: ( +84.24)38.512425 - Fax: ( +84.24) 38.512778

Vicem - Người mở đường cho xi măng Việt Nam bước vào kỷ nguyên 'không phát thải'

Cập nhật: 14:11 | 17/06/2020

Xi măng – Một ngành công nghiệp ra đời đã 2 Thế kỷ. Xi măng đã trở thành sản phẩm quen thuộc với mọi người, mọi nhà trên hành tinh của chúng ta. Đây là loại sản phẩm tạo nên sự kỳ vĩ của Thế giới. Hàng vạn thành phố trên Trái đất mọc lên, vươn mình vững chãi giữa không gian bao la với sự đa dạng về kiến trúc, kiểu dáng, chiều cao, hùng vĩ, uy nghi, hàng vạn công trình ngầm dưới lòng đất, đáy biển, đâu đâu cũng có sự đóng góp với vai trò quyết định của xi măng. Chất kết dính kỳ diệu này vĩ đại đến mức trở thành thông dụng, làm cho người đời cảm nhận như một sản phẩm tất yếu của tạo hóa.  

Để có được một ngành xi măng với tổng công suất trên toàn Thế giới gần 5 tỷ tấn/năm, với hàng chục chủng loại khác nhau, các nhà công nghệ sản xuất xi măng đã trải qua nhiều giai đoạn, thử thách, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thay đổi, đổi mới công nghệ làm cho công nghệ sản xuất xi măng chất lượng cao hơn, phát thải ra môi trường ít hơn, sử dụng tiết kiệm nguồn nguyên liệu đá vôi, đất sét, bổ sung, thay đổi nguyên liệu, nhiên liệu bằng các phế thải sinh hoạt, phế thải công nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo. Sự vĩ đại, thông dụng của sản phẩm xi măng đến mức nhiều người không còn quan tâm đến chất lượng xi măng, coi đó như bản năng vốn có của loại vật liệu này, mà họ chỉ quan tâm đến những phát thải, đặc biệt phát thải CO2 và bụi do công nghiệp sản xuất xi măng tạo nên.

vicem nguoi mo duong cho xi mang viet nam buoc vao ky nguyen khong phat thai
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ thành công trong việc tạo ra công nghệ sản xuất xi măng không phát thải.

Khác với người sử dụng, các nhà nghiên cứu chế tạo công nghệ, các nhà sản xuất xi măng luôn quan tâm làm sao tạo ra được nhiều chủng loại xi măng với chất lượng ngày càng cao, coi đó là một trong các chỉ tiêu cạnh tranh sống còn và luôn trăn trở làm sao để phát thải của ngành xi măng ngày càng ít đi và hơn thế nữa làm sao các phát thải độc hại đó được sử dụng hữu ích cho chính doanh nghiệp sản xuất. Khác với phát thải của nhiều ngành công nghiệp khác, nguyên liệu chính để sản xuất xi măng portland là đá vôi. Khi nung đá vôi thì đá vôi (CaCO3) bị phân hủy thành CaO và CO2. Nghĩa là phát thải CO2 là bản tính của công nghệ. Điều cốt yếu là làm sao giảm sử dụng đá vôi để giảm phát thải CO2. Giảm sử dụng đá vôi nghĩa là giảm tỷ lệ clinker trong xi măng. Tất nhiên phát thải trong sản xuất xi măng không chỉ từ đá vôi mà 1 phần quan trọng là từ quá trình nung đốt, sự cháy của nhiên liệu. Những nhà công nghệ, những nhà sản xuất xi măng suốt 200 năm qua không ngừng nghỉ trong việc cải tiến nhằm nhiều mục đích, trong đó có giảm phát thải (CO2), bụi và một số phát thải khác.

vicem nguoi mo duong cho xi mang viet nam buoc vao ky nguyen khong phat thai
Hội thảo chuyên đề sản xuất thử nghiệm Clinker low-carbon tại các đơn vị thành viên của VICEM trong tiến trình nghiên cứu công nghệ mới của VICEM

Tiến bộ khoa học công nghệ thay đổi hết loại hình công nghệ này đến loại hình công nghệ khác nhưng không thể nào để có công nghệ sản xuất xi măng không có phát thải. Tổng Công ty Xi măng Việt Nam – Vicem là Tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước của ngành Xây dựng ngày đêm vật lộn với sản xuất, với tiêu thụ, xuất khẩu xi măng trong bối cảnh cảnh tranh ngày càng khốc liệt, nhưng vẫn luôn quan tâm nghiên cứu, cải tiến, hợp tác trong nước, quốc tế và vào đầu năm 2020 đã có “Tuyên bố Hà Nội” với mục tiêu đến năm 2030 sẽ thành công trong việc tạo ra công nghệ sản xuất xi măng “không phát thải”. Đây là bước đột phá cần ghi nhận bởi sự tâm huyết với nghề, trách nhiệm với xã hội. Con đường đến đó còn gian nan nhưng trước hết cần lòng quyết tâm, dũng khí, cách thức tổ chức hợp tác, đặc biệt hợp tác với PL.Smidth là Tập đoàn hàng đầu về công nghệ sản xuất xi măng, có trụ sở tại Đan Mạch. Chắc chắn từng bước sẽ có thêm nhiều nhà công nghệ mới tham gia, trong đó có Tập đoàn Thyseenkroupp của Đức, Thyseenkroupp Inductrial Solition (Việt Nam) và nhiều nhà công nghệ khác. Với Vicem và xi măng Việt Nam đây là một cuộc Cách mạng mang tính toàn diện, trước hết phải chuẩn bị nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực trình độ cao, các điều kiện vật chất khác để triển khai. Bước đường cải tiển công nghệ được triển khai trên diện rộng mà trọng tâm là tạo ra xi măng cac bon thấp và công nghệ thu hồi cac bon sạch để tận thu, tạo hiệu quả kinh tế. Không phát thải và tiệm cận đến gần không phát thải là mơ ước của bao thế hệ những người sản xuất xi măng, những nhà công nghẹ trên Thế giới. Vicem cần nhận được sự cổ vũ to lớn từ Nhà nước và cộng đồng. Sứ mệnh mà Vicem theo đuổi là sứ mệnh của Vicem Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí VLXD