Đề xuất đưa thuế xuất khẩu xi măng về 0%
Cập nhật: 17:54 | 17/04/2018
Các doanh nghiệp xi măng trong nước được thở phào khi thông tin từ đại diện Tổng cục Hải quan cho biết đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 100, đưa thuế xuất khẩu xi măng về 0% để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Phần lớn các thành viên Chính phủ đều đồng tình với việc sửa đổi Nghị định 100, đưa thuế xuất khẩu xi măng về 0%, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Gần 2 năm qua, các doanh nghiệp xi măng đã kêu nhiều về câu chuyện tăng thuế gây khó cho xuất khẩu.
Theo quy định tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì không được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu.
Quy định này thể hiện quan điểm không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên chưa chế biến sâu. Nhưng việc thực hiện lại gặp vướng mắc khi xác định tỷ lệ 51% và có nhiều sản phẩm được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản nhưng trong quy trình thì lại được chế biến thành sản phẩm khác trước khi trở thành sản phẩm xuất khẩu.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, ngành xi măng ngày càng hội nhập sâu, và những năm qua, xuất khẩu xi măng đã mang về nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Năm 2015, lần đầu tiên, xuất khẩu xi măng đã thu về trên 800 triệu USD.
Tuy nhiên, khi thực thi chính sách về thuế xuất khẩu 5% và không được hoàn thuế VAT thì làm giảm sức cạnh tranh của xi măng trong nước..
Theo quan điểm của các doanh nghiệp, với xi măng, thuế tài nguyên ngày càng tăng, cộng với chi phí nhân công ngày càng tăng, lại thêm thuế phí khiến giá thành sản xuất cao thì xi măng trong nước không thể cạnh tranh được.
Hệ lụy từ giá bán sau áp thuế xuất khẩu sẽ cao hơn hẳn các đối thủ trong khu vực sẽ các các đối tác, bạn hàng, khách hàng đang mua xi măng, clinker sẽ phải từ bỏ thị trường Việt Nam, chuyển hướng sang mua của các thị trường khác trong khu vực có sự ổn định và giá bán cạnh tranh hơn nhiều.
Đơn cử, với giá xuất khẩu clinker, xi măng của Việt Nam và các nước trong khu vực, sự cạnh tranh gay gắt chỉ nằm trong mức chênh lệch từ 0.5USD – 1USD/tấn.
Kể từ khi áp dụng hai Nghị định 100/2016/NĐ-CP và 122/2016/NĐ-CP, mỗi tấn clinker và xi măng xất khẩu của Việt Nam đang gánh thêm chi phí thuế từ 4 USD/tấn đến 7 USD/tấn, để giữ thị trường và uy tín với bạn hàng, đặc biệt với những thị trường và bạn hàng đã ký kết hợp đồng dài hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu phải bù lỗ một phần.
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, đã trình Chính phủ sửa đổi bổ sung nội dung này trong Nghị định 100 để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. "Chúng tôi đã nhận được 16 ý kiến thành viên Chính phủ đồng tình với việc sửa đổi này. Cơ quan đang tiếp tục thực hiện giải trình để ký ban hành", ông Anh cho biết.
Được biết, Dự thảo sửa đổi Nghị định này dự kiến sẽ có 2 trường hợp ngoại lệ được áp dụng thuế xuất khẩu 0%, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu tương tự trường hợp của xi măng.
Thứ nhất, sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác hoặc mua về để chế biến hoặc thuê cơ sở khác để chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác rồi tiếp tục chế biến thành sản phẩm xuất khẩu, có thể khép kín hoặc từng công đoạn thì thuộc đối tượng 0% nếu đáp ứng điều C2 Luật thuế GTGT (có hợp đồng thực tế xuất khẩu, thanh toán qua ngân hàng).
Thứ hai, sản phẩm kinh doanh được chế biến từ nguyên liệu chính không phải tài nguyên khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về để chế biến hoặc thuê cơ sở khác để chế biến thành sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm xuất khẩu thuộc đối tượng chịu thuế 0%.
Ngoài ra, dự thảo còn quy định chi phí trực tiếp, gián tiếp sẽ không gồm chi phí vận chuyển từ nơi khai thác đến nơi chế biến.
Ngành xi măng đang dư cung, và đầu ra từ xuất khẩu đã góp phần giải quyết gần 20 triệu tấn sản phẩm mỗi năm.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam Việt Nam, 10 tháng năm 2017, xuất khẩu xi măng, clinker đạt 15,1 triệu tấn, trị giá 532,3 triệu USD, tăng 23,9% về lượng và tăng 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
So với mục tiêu xuất khẩu 16 - 17 triệu tấn trong năm nay, dự kiến chỉ hết tháng 11/2017, xuất khẩu xi măng, clinker sẽ cán đích cả năm.
10 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu clinker và xi măng sang các thị trường đều tăng cả lượng và trị giá. Đặc biệt, tuy không phải là thị trường xuất khẩu chủ lực nhưng Trung Quốc lại gia tăng nhập khẩu từ thị trường Việt Nam, tăng gấp hơn 5 lần cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2016, với 161.000 tấn, trị giá 4,8 triệu USD.
Việt Nam đang xuất khẩu clinker và xi măng đến 12 quốc gia và vũng lành thổ, lượng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á chiếm 29,71%, các nước khác (trừ EU – ASEAN) chiếm 70,29% tổng lượng xuất khẩu.
Đạt VQ
Báo đầu tư
-
Chuyên đề Chuỗi giá trị ngành sản xuất Xi măng P1